Bổ sung quy định mới về xử lý chứng khoán trong thi hành án dân sự

Bổ sung quy định mới về xử lý chứng khoán trong thi hành án dân sự

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị định số 152/2024/NĐ-CP mới được ban hành đã bổ sung các quy định mới về việc áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự liên quan đến chứng khoán.

Theo đó, nghị định số 152/2024/NĐ-CP bổ sung khoản 5, 6, 7, 8 Điều 13 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự. Cụ thể, đối với chứng khoán đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại các sở, quy định mới cho phép Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa chứng khoán và gửi tới Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chấp hành viên, VSDC thực hiện phong tỏa chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và thành viên lưu ký.

Quyết định phong tỏa phải nêu rõ các thông tin quan trọng bao gồm, nội dung yêu cầu phong tỏa chứng khoán; họ và tên, số và ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đối với cá nhân; tên, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương đối với pháp nhân; mã chứng khoán và số lượng chứng khoán đề nghị phong tỏa.

Nếu chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự, đương sự có 5 ngày làm việc để thỏa thuận về việc bán chứng khoán.

Hết thời hạn trên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với số chứng khoán đã nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, VSDC phải thực hiện việc chuyển chứng khoán. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển chứng khoán, Chấp hành viên thực hiện việc bán theo thỏa thuận của đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên thực hiện bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án thì ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự và thực hiện việc bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Việc xử lý chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không bán được theo quy định tại khoản 5 Điều này, Chấp hành viên thực hiện phong tỏa theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự; ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục định giá, bán chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Sau khi bán chứng khoán, cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản yêu cầu VSDC thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho người mua theo quy định của pháp luật.

Nếu việc xử lý chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp không thuộc quy định khoản 5, khoản 6 Điều này và giấy tờ có giá thì Chấp hành viên kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 71, Điều 83, Điều 92, Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Khi ra quyết định kê biên, Chấp hành viên đồng thời ban hành văn bản thông báo về việc kê biên tài sản đó cho doanh nghiệp nơi người phải thi hành án góp vốn và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người phải thi hành án còn tài sản khác thì Chấp hành viên có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự khi phát sinh các giao dịch đối với tài sản đó để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.

Tin bài liên quan