Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra - (Ảnh VC).
Sáng 20/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội báo cáo Quốc hội một số nội dung chủ yếu về thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hộivề Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và một số định hướng lớn giai đoạn 2021-2025.
Không nên ấn định con số tăng trưởng
Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm sau, Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Các cơ quan của Quốc hội đề nghị báo cáo rõ về hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2021 có sự thay đổi gì so với giai đoạn trước; cơ sở đề xuất các chỉ tiêu mới, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu mang tính tổng hợp, định lượng hơn.
Như, chỉ tiêu về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, Bộ Y tế đề xuất và cũng là chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới.
Hay chỉ tiêu về suy dinh dưỡng trẻ em, do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, có ý kiến cho rằng để có cơ sở vững chắc, rủi ro ít hơn, không ảnh hưởng đến việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 (dự kiến 6%) thận trọng hơn, tiếp tục đặt trọng tâm phòng, chống dịch bùng phát trở lại.
Trường hợp cần thiết có thể xây dựng các phương án tăng trưởng, có các phương án về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) tương ứng với các phương án tăng trưởng kinh tế để chủ động, linh hoạt trong việc quản lý, điều hành. Có ý kiến đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu phấn đấu, không nên ấn định con số tăng trưởng cho năm 2021.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động 4,8%, nguyên nhân đặt ra thấp hơn so với các năm trước (thực hiện năm 2019 là 6,28%; ước thực hiện năm 2020 là 4,89%); chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%.
Nhấn mạnh 5 trọng tâm
Cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 tại báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh 5 trọng tâm.
Một, tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung phục hồi và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát.
Ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bốn, đẩy nhanh và thực hiện đồng bộ các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án. Vấn đề thứ 5 được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội. "Chính phủ cần lựa chọn đúng khâu đột phá trong trong năm 2021 và có chính sách cụ thể, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả để phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế cao, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ngay từ năm đầu thực hiện" - cơ quan thẩm tra lưu ý.
Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển nguồn và lưới điện đang triển khai dở dang, không để thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ quản lý ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc, triển khai các thủ tục đầu tư, kinh doanh đối với DNNN. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các DNNN. Bố trí nguồn lực và thực hiện giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động... cũng là nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm.