Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đó là những chính sách lớn của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 22/4.
Thay hộ khẩu bằng số định danh cá nhân
Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho Nhân dân, theo tờ trình của Chính phủ.
Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với việc đổi mới nói trên, song đề nghị làm rõ một số vấn đề để bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới này và không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Đó là phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân nhưng đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân.
Do vậy, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để làm cơ sở cho việc quản lý công dân thông qua số định danh cá nhân.
Qua rà soát sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết có 27 thủ tục hành chính quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan trình dự án luật đánh giá rõ hơn tác động đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính này và giải pháp thay thế khi không còn sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Đồng thời, làm rõ lộ trình sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô
Lần sửa đổi này Chính phủ cũng đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4, Điều 19, Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.
Chính phủ giải thích, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó.
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số Hà Nội tăng khoảng từ 7,3 đến 7,9 triệu người, nhưng đến năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030), trong đó, có gần 1,8 triệu người tạm trú.
Trong số 9,6 triệu người cư trú tại Hà Nội, trong thời gian 5 năm (2013-2017) chỉ có khoảng 120.000 người đăng ký thường trú vào Hà Nội theo các điều kiện quy định tại Điều 20, Luật Cư trú và Điều 19, Luật Thủ đô, chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng người tạm trú và rất nhỏ so với tỷ lệ tăng dân số cơ học của thành phố.