Theo báo cáo của Bộ Lao động, giá nhà sản xuất Mỹ tăng nhanh vào tháng 1, gây thêm nỗi lo về áp lực lạm phát cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, báo cáo đưa ra những thông tin mới nhất vào hôm thứ Tư cho thấy, mức tiêu dùng Mỹ tăng mạnh trong tháng trước.
Tuy nhiên, sau những phiên bán tháo ồ ạt trong tuần trước do lo ngại lạm phát, phố Wall đã có chuỗi tăng 5 phiên ấn tượng khi giới đầu tư dường như đã hấp thụ hết thông tin lạm phát và giờ đang quan tâm tới kết quả kinh doanh.
Trong phiên giao dịch thứ Năm, nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là cổ phiếu Apple với mức tăng 3,36% sau khi Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett trong báo cáo hàng quý đưa ra cho thấy, cổ phiếu nhà sản xuất iPhone đứng đầu danh mục đầu tư của hãng này.
Ngoài ra, cổ phiếu tăng mạnh khác còn có Cisco tăng 4,73% sau kết quả kinh doanh khả quan và dự báo lạc quan khi việc cải tổ công ty phần mềm đã bắt đầu có hiệu quả.
Kết thúc phiên 15/2, chỉ số Dow Jones tăng 306,88 điểm (+1,23%), lên 25.200,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,57 điểm (+1,21%), lên 2.731,20 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 112,81 điểm (+1,58%), lên 7.256,43 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, xu hướng tích cực tiếp tục duy trì trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, có những thời điểm, các chỉ số chính của khu vực này rung lắc mạnh gần cuối phiên, nhưng với sự khởi sắc của phố Wall, các chỉ số đều quay đầu trở lại và giữ được sắc xanh khi chốt phiên.
Kết thúc phiên 15/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,84 điểm (+0,29%), lên 7.234,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,01 điểm (+0,06%), lên 12.346,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 57,26 điểm (+1,11%), lên 5.222,52 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc đã bước vào thời gian nghỉ Tết kéo dài, thì chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông chứng khiến phiên khởi sắc hôm thứ Năm. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh gần 1,5% khi các cổ phiếu bị bán tháo vừa qua được giới đầu tư ồ ạt mua mạnh trở lại khi chứng khoán Mỹ và Âu có phiên tăng mạnh trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông nghỉ Tết muộn hơn Trung Quốc đại lục 1 ngày và tiếp tục chứng kiến phiên khởi sắc gần 2% sau khi tăng hơn 2% trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 15/2, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 310,81 điểm (+1,47%), lên 21.464,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 599,83 điểm (+1,97%), lên 31.115,43 điểm.
Đồng USD tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Năm, xuống mức thấp nhất hơn 3 năm. Việc đồng USD giảm tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng duy trì đà tăng, nhưng mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn, không còn mạnh như phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 15/2, giá vàng giao ngay tăng 3,1 USD/ounce (+0,23%), lên 1.353,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 1,7 USD/ounce (+0,12%), lên 1.355,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lại có sự trái chiều trong phiên thứ Năm. Giá dầu thô Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng tốt khi đồng USD tiếp tục giảm mạnh và Ả Rập Xê út cho biêt, OPEC sẽ tiếp tục giữ cam kết giảm sản lượng. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent lại quay đầu điều chỉnh nhẹ khi sản lượng của Mỹ đạt mức kỷ lục 10,27 triệu thùng/ngày.
Kết thúc phiên 15/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,74 USD (+1,21%), lên 61,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,05%), xuống 64,33 USD/thùng.