Tiếp nối đà bán mạnh trong phiên thứ Tư, phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch sáng thứ Năm khi dư âm bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn ám ảnh nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc ông Trump đe dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và dữ liệu thất nghiệp mới công bố tiêu cực với con số 2,98 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Tuy nhiên, trong phiên chiếu, các chỉ số đã hồi trở lại và tăng bật vào cuối phiên khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế sẽ giúp kinh tế hồi phục nhanh trở lại. Theo đó, ông Trump cho biết, ông sẵn sàng đàm phán một dự luật kích thích kinh tế khác.
Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Dow Jones tăng 377,37 điểm (+1,62%), lên 23.625,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,50 điểm (+1,15%), lên 2.852,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 80,56 điểm (+0,91%), lên 8.943,72 điểm.
Trong khi đó, lo ngại về suy thoái kinh tế kéo dài vì đại dịch đã đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất mọi thời đại, qua đó kích hoạt lệnh bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Âu, khiến các chỉ số chính trong khu vực tiếp tục chìm trong sắc đỏ với mức giảm trên dưới 2% xuống mức thấp nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 14/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 162,51 điểm (-2,75%), xuống 5.741,54 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 205,64 điểm (-1,95%), xuống 10.337,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 71,82 điểm (-1,65%), xuống 4.273,13 điểm.
Cảnh báo của Chủ tịch Fed về việc nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với suy thoái kép và mình Fed không đủ để hỗ trợ nền kinh tế không chỉ khiến giới đầu tư phố Wall choáng váng trong phiên thứ Tư, mà cũng khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á cũng lo sợ trong phiên thứ Năm, kéo các chỉ số trong khu vực giảm khá mạnh trong phiên này.
Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 352,27 điểm (-1,74%), xuống 19.914,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,71 điểm (-0,96%), xuống 2.870,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 350,56 điểm (-1,45%), xuống 23.829,74 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 15,46 điểm (-0,80%), xuống 1.924,96 điểm.
Phát biểu tiêu cực trước đó của Chủ tịch Fed, cùng căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung khiến giới đầu tư lo sợ tìm nơi trú ẩn và vàng chính là một kênh được ưu tiên lựa chọn. Lực cầu lớn giúp giá kim loại quý này tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm với mức tăng mạnh hơn nhiều trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 14/5, giá vàng giao tăng 15,1 USD (+0,88%), lên 1.730,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 24,5 USD (+1,43%), lên 1.740,9 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu thô, giá dầu tăng mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán các kho dự trữ dầu thô sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020 sau khi tăng mạnh trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu.
Kết thúc phiên 14/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,27 USD (+8,24%), lên 27,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,94 USD (+6,23%), lên 31,13 USD/thùng.