Ảnh AFP

Ảnh AFP

Bỏ qua bất ổn, giới đầu tư đặt cược vào sự hồi phục kinh tế

(ĐTCK) Báo cáo việc làm và các dữ liệu kinh tế khác mới công bố của Mỹ không ảm đạm như dự báo giúp giới đầu tư hân hoan, đẩy chứng khoán khởi sắc, trong khi vàng giảm mạnh trong phiên thứ Tư (3/6).

Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Tư với S&P và Nasdaq có phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Cả 3 chỉ số chính của phố Wall đã có sự phục hồi mạnh mẽ so với mức đáy hồi tháng 3 và chỉ còn cách đỉnh cao lịch sử được thiết lập hồi tháng 2 một bước chân ngắn.

Phố Wall tăng điểm khi giới đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại an toàn và hồi phục nhanh chóng giống như Trung Quốc và Ý,  làm lu mờ những bất ổn trước mắt về biểu tình, bạo lực.

Trong khi đó, theo báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân (ADP) vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, cắt giảm việc làm ADP trong tháng 5 ít hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cho thấy việc sa thải đang giảm dần và các doanh nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, số lao động mất việc trong khu vực ADP trong tháng 5 chỉ là 2,76 triệu lao động, thấp hơn rất nhiều so với con số 19,557 triệu lao động trong tháng 4 và thấp hơn nhiều mức dự báo 9 triệu lao động của các nhà kinh tế theo cuộc thăm dò của Reuters.

Trong khi đó, một báo cáo khác của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISI) cho biết, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã tăng lên mức 45,4 trong tháng 5, từ mức 41,8 trong tháng 4.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones tăng 527,24 điểm (+2,05%), lên 26.269,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,05 điểm (+1,36%), lên 3.122,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 74,54 điểm (+0,78%), lên 9.682,91 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng nhảy vọt trong phiên thứ Tư sau dữ liệu kinh tế toàn cầu cải thiện, tạo hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của kinh tế sau khi chịu tổn thất nặng bởi Covid-19. Trong phiên này, nhóm cổ phiếu bảo hiểm thăng hoa với sự dẫn dắt của AXA khi nhà bảo hiểm của Pháp cho biết sẽ trả cổ tức.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 162,27 điểm (+2,62%), lên 6.382,41 điểm. Chỉ số DAX30 tại Đức tăng 466,08 điểm (+3,88%), lên 12.487,36 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 163,41 điểm (+3,36%), lên 5.022,38 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng tăng mạnh trong phiên thứ Tư với kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế và sự phục hồi nhanh của các nền kinh tế, bù đắp cho căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại hạ nhiệt về cuối phiên và đóng cửa gần như không đổi khi nhà đầu tư thận trọng trở lại với căng thẳng gia tăng với Mỹ, nhất là sau lệnh cấm bay đến Mỹ với các hãng hàng không Trung Quốc mới được đưa ra.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 288,15 điểm (+1,29%), lên 22.613,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,97 điểm (+0,07%), lên 2.923,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 329,68 điểm (+1,37%), lên 24.325,62 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 59,81 điểm (+2,87%), lên 2.147,00 điểm.          

Dữ liệu việc làm ADP của Mỹ công bố không ảm đạm như dự kiến giúp chứng khoán khởi sắc, nhưng lấy đi của giá vàng rất nhiều trong phiên thứ Tư. Vai trò trú ẩn bị giảm đi đáng kể, lực bán gia tăng để chuyển hướng sang các kênh rủi ro cao hơn và có lợi nhuận tốt hơn là chứng khoán khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay giảm 25,6 USD (-1,48%), xuống 1.700,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 27,4 USD (-1,59%), xuống 1.697,8 USD/ounce.

Sau phiên điều chỉnh đầu tuần, giá dầu thô đã khởi sắc trở lại trong phiên thứ Ba với kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế và tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư sau báo cáo việc làm của Mỹ.

Kết thúc phiên 3/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,48 USD (+1,29%), lên 37,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,22 USD (+0,55%), lên 39,79 USD/thùng.

Tin bài liên quan