1.500 công ty lưu ký chứng khoán, nhưng chỉ 6 triển khai e-voting
“Hiện có trên 1.500 công ty đăng ký lưu ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong đó có những công ty có từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ đông. Thực tế đòi hỏi các công ty đại chúng phải có cách ứng xử phù hợp với nhu cầu đa dạng của cổ đông, nhất là các nội dung liên quan đến xin ý kiến biểu quyết của các cổ đông...”, ông Phạm Trung Minh, Trưởng Phòng Đăng ký chứng khoán (VSD) cho biết.
Trên thực tế, để tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), doanh nghiệp thường thuê hội trường lớn với chi phí cao. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện thành công ĐHCĐ ngay lần đầu, thậm chí không ít doanh nghiệp phải tổ chức đến lần thứ 3, gây lãng phí cả về thời gian và chi phí cho các bên. Bất cập này sẽ được khắc phục nếu doanh nghiệp áp dụng hình thức họp ĐHCĐ trực tuyến và bỏ phiếu điện tử.
“Tuy các đơn vị cung cấp dịch vụ e-voting hiện khá đa dạng và số lượng doanh nghiệp quan tâm đến e-voting cũng nhiều, nhưng trường hợp triển khai trên thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay, vào khoảng 6 doanh nghiệp…”, ông Minh cho hay.
Sở dĩ doanh nghiệp chưa mặn mà với e-voting, theo đại diện VSD, là do doanh nghiệp quan ngại rủi ro kiện tụng khi xảy ra tranh chấp nếu việc chuẩn bị cho hình thức bỏ phiếu này không chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Mặt khác, để áp dụng được e-voting, doanh nghiệp phải sửa điều lệ, hoặc ban hành quy chế bỏ phiếu điện tử để trình ĐHCĐ thông qua. Bởi vậy, chỉ cần một mùa ĐHCĐ không thông qua, thì có khi doanh nghiệp phải đợi thêm cả năm nữa mới có thể áp dụng e-voting do phải đợi kỳ ĐHCĐ năm sau thông qua.
Đưa công nghệ vào đại hội, cách nào?
Chia sẻ về quan ngại rủi ro pháp lý khi áp dụng khi áp dụng e-voting của doanh nghiệp, ông Phạm Trung Minh cho biết, việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Bởi vậy, để áp dụng e-voting, doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 2 cách.
Thứ nhất, sửa đổi điều lệ công ty, trong đó có bổ sung quy định chi tiết về nội dung bỏ phiếu điện tử, rồi trình ĐHCĐ thông qua và áp dụng.
Thứ hai, khi sửa điều lệ công ty, doanh nghiệp có thể định ra nguyên tắc áp dụng e-voting trong văn bản này cùng với trình ĐHCĐ thông qua ban hành một quy chế chi tiết về bỏ phiếu điện tử. Khi ĐHCĐ thông qua 2 văn bản này là doanh nghiệp dễ dàng áp dụng.
Để bỏ phiếu điện tử đạt kết quả tốt, theo đại diện VSD, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc cập nhật thông tin của các cổ đông. Thực tế cho thấy, không ít công ty đại chúng đang gặp khó khăn khi cổ đông khiếu nại vì không nhận được tài liệu họp ĐHCĐ, nguyên nhân là do địa chỉ của cổ đông thay đổi, nhưng không được doanh nghiệp cập nhật.
Ông Minh cho biết, sắp tới, VSD sẽ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cách thức thể chế hóa quy trình về lập danh sách cổ đông, với những quy định chi tiết về các thông tin mà nhà đầu tư phải kê khai khi mở tài khoản. Trên cơ sở đó, VSD sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cổ đông, đáp ứng tốt yêu cầu cho triển khai e-voting.
"Tuy nhiên, nếu chỉ có sự vào cuộc của nhà quản lý và VSD thôi thì chưa đủ, mà rất cần sự chủ động của cả nhà đầu tư, công ty chứng khoán và doanh nghiệp trong việc thường xuyên cập nhật thông tin, để các thông tin này đến với cổ đông, cũng như các đối tượng quan tâm được chính xác, thông suốt và kịp thời. Một khi vấn đề về thông tin được giải quyết, thì sẽ tạo thuận lợi cho triển khai e-voting trong thời gian tới", ông Minh nói.
Theo đại diện VSD, triển khai e-voting không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn đáp ứng nhu cầu từ phía cổ đông, góp phần nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường chứng khoán theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
"Một trong những tiêu chí mà phía tổ chức quốc tế xét nâng hạng thị trường chứng khoán thường đặt ra là thị trường đó đã áp dụng phổ biến e-voting hay chưa. Bởi vậy, khi có nhiều hơn các doanh nghiệp triển khai e-voting, thì sẽ có “điểm cộng” cho Việt Nam trong nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi", ông Minh nhấn mạnh.