Bộ Nội vụ thông tin về cải cách tiền lương từ 1/7/2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 4/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn chính sách cải cách tiền lương và kết quả hoàn thiện đề án xây dựng vị trí việc làm phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7 tới.
Bộ Nội vụ thông tin về cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Hội nghị TW 7 khóa XII, trong thời gian qua Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.

Trong đó, thang bảng lương thứ nhất dành cho các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cấp xã, phải mất nhiều năm mới ra được danh mục các chức danh, chức vụ bao quát được hết cơ quan của Đảng, đoàn thể, các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Thang bảng lương thứ 2 là dành cho đội ngũ chuyên môn, những người không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Ba thang bảng lương còn lại dành cho lực lượng vũ trang, trong đó có cả những người làm công tác cơ yếu. Đó là bảng lương áp dụng đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Đồng thời, Bộ Nội vụ đã cùng với các Bộ ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo xin ý kiến về các nội dung cơ bản của cải cách tiền lương để trình Bộ Chính trị. Theo đó, những nội dung Bộ Nội Vụ xin ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Thống nhất 5 thang bảng lương vừa nêu, 9 nhóm phụ cấp lãnh đạo quản lý và các chế độ tiền thưởng với cán bộ công chức, viên chức lực lượng vũ trang; Việc thực hiện mức khoán, số tiền cụ thể đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Việc thực hiện bảo lưu tiền lương, thu nhập đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý.

“Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương mới mà thấp hơn lương cũ thì thực hiện bảo lưu theo tinh thần của Nghị quyết 27 là lương mới đảm bảo không thấp hơn lương cũ”, người phát ngôn Bộ Nội vụ nói.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh tại họp báo chiều 4/5

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh tại họp báo chiều 4/5

Tiếp theo, Bộ xin ý kiến về việc thực hiện chế độ trợ cấp với cán bộ công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 áp dụng với doanh nghiệp để bảo đảm bảo đối tượng cán bộ công chức này đảm bảo đời sống.

“Hiện nay chúng tôi đang xin ý kiến ở mức lương trên 5 triệu so với lương tối thiểu vùng. Việc này cũng cần phải xin ý kiến của Bộ Chính trị”, ông Vũ Đăng Minh nói.

Với những vấn đề trên, sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ liên quan sẽ trình các cấp thẩm quyền 3 nhóm văn bản.

Cụ thể, trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức với khối cơ quan của Đảng, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quy định chế độ tiền lương mới đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Đồng thời ban hành 12 thông tư hướng dẫn cụ thể cách chi trả, tính toán tiền lương áp dụng với chính sách tiền lương mới.

“Việc quan trọng nhất là phải bảo đảm nguồn cải cách tiền lương. Do đó, Bộ vẫn kiên trì và kiên quyết thực hiện với phương châm sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn để tiết kiệm nguồn chi và tinh giản biên chế”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Liên quan đến đề án xây dựng vị trí việc làm phục vụ cho cải cách tiền lương, ông Vũ Đăng Minh cho hay việc này đã được các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt. Các địa phương cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế. Khối bộ ngành Trung ương chỉ có 3 bộ là Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ chưa thực hiện được… Theo kế hoạch đầu tháng 5 này các cơ quan này sẽ hoàn thành.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ khẳng định, với tiến độ như hiện nay thì sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, chúng ta sẽ xong đề án vị trí việc làm, đủ điều kiện để sắp xếp vị trí tính toán tiền lương cho các đối tượng liên quan theo 5 bảng lương nói trên.

Tin bài liên quan