Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ trả lời tại họp báo chiều 5/2 - Ảnh: VGP

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ trả lời tại họp báo chiều 5/2 - Ảnh: VGP

Bộ Nội vụ: Những ai không rõ vị trí, sản phẩm, khối lượng công việc thì thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ tại họp báo Chính phủ chiều 5/2, khi được hỏi về công tác nhân sự phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra chiều 5/2, báo chí đặt câu hỏi đối với đại diện Bộ Nội vụ, đề nghị cho biết về việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm sau khi hợp nhất, tinh gọn bộ máy khi đã được Trung ương thống nhất ra sao, nguồn hỗ trợ cho các cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh giảm sẽ được chuẩn bị như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ - ông Vũ Đăng Minh cho biết, ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/2024 (Nghị định 178) về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Sau 2 tuần, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2025/TT-BNV (Thông tư 01) hướng dẫn thực hiện Nghị định 178.

Ngày 4/1/2025, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Chính phủ có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng bộ ngành, địa phương.

Theo đó, dựa vào các tiêu chí đánh giá 3 năm gần nhất, các đơn vị sẽ lựa chọn những người tiếp tục giữ lại công tác, những người đưa vào diện sắp xếp để có phương án và lộ trình tính toán cho phù hợp.

"Việc sắp xếp, tinh gọn bảo đảm nguyên tắc rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm. Nếu không chứng minh được rõ ở vị trí đó làm việc gì, sản phẩm gì, khối lượng công việc trong một năm làm được những gì thì thuộc diện đưa vào danh sách.

Chúng ta phải tính toán để tìm ra được đội ngũ có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để vận hành bộ máy mới bảo đảm hiệu năng, hiệu lực", Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho hay.

Ông Minh cho biết, đó là những việc Bộ Nội vụ đã khẩn trương làm thời gian qua. Đến nay, Đề án đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất rất cao các phương án của Chính phủ về cơ cấu của Chính phủ, cơ cấu nhân sự.

Hai dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tới đây sẽ trình kỳ họp bất thường của Quốc hội để thông qua.

"Với tinh thần như vậy, đến nay các bộ ngành, địa phương đã có phương án sắp xếp cụ thể", ông Minh nói.

Riêng về con người, theo Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, việc tính toán từng người vào vị trí nào thì đang phải chờ sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu của Chính phủ, lúc đó Chính phủ mới ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ và cơ quan ngang bộ.

Các bộ thuộc diện hợp nhất, sắp xếp và cả các bộ không thuộc diện sắp xếp đều phải ban hành nghị định mới để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư theo quy định tại Điều 16, Điều 21 của Nghị định 178. Trong đó, quy định Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng thông tư hướng dẫn nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã xin ý kiến các bộ và đang hoàn thiện để sớm ban hành thông tư này làm cơ sở thực hiện sắp xếp.

Vậy về mặt cơ sở pháp lý, Chính phủ có Nghị định 178, Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn phương pháp, cách tính đối với từng người, Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn lập dự toán, nguồn kinh phí và công tác quản lý sử dụng. Như vậy, chúng ta đầy đủ pháp lý. Khi cấp thẩm thông qua Đề án sắp xếp thì chúng ta có thể vận hành được ngay.

Tại cuộc họp báo, có câu hỏi cũng được gửi tới Bộ Nội vụ đề nghị cho biết nguồn chi trả cho các cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi được chuẩn bị ra sao? Trong thời gian qua đã xuất hiện thông tin có những trường hợp cán bộ lãnh đạo xin nghỉ hưu trước tuổi mà nếu đối chiếu với các quy định thì có thể được hưởng tới hàng tỷ đồng.

Về vấn đề này, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, khi xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ và Ban Đề án đã xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương và trực tiếp xin Tổng Bí thư cho ý kiến về các phương án. Trong đó rất quan tâm việc có đủ nguồn để thực hiện hay không.

"Trong đánh giá tác động, chúng tôi thấy rằng nếu như chúng ta thực hiện theo phương án tinh giảm này thì nguồn kinh phí chi trả cho những người sẽ nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí để trả cho những người đó tiếp tục làm việc trong 5 năm", ông Minh nói và cho biết, chúng ta vẫn đảm bảo cân đối đủ nguồn kinh phí thực hiện.

Về số tiền hưởng thực tế đối với mỗi người, theo quy định tại Nghị định 178 và Thông tư 01, người nghỉ được chi trả với các mức khác nhau. Số tiền căn cứ vào lương thực tế đang hưởng và căn cứ vào số tháng được nghỉ đến thời điểm đó; đồng thời căn cứ vào tại thời điểm nghỉ, trong khoảng thời gian 12 tháng thì kinh phí cao hơn, quá 12 tháng thì mức kinh phí thấp hơn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang họp bàn về sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Liên quan đến nội dung trên, tại buổi khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 5/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường vụ Đảng ủy Quốc hội sẽ họp vào ngày 10/2 để cho ý kiến công tác nhân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến diễn ra trong các ngày 12-18/2 tới.

Đồng thời, tại phiên họp này (5-7/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến sửa đổi một số luật phục vụ yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy: dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Tin bài liên quan