Bỏ ngỏ thỏa thuận về lãi suất, DN thua kiện ngân hàng

Bỏ ngỏ thỏa thuận về lãi suất, DN thua kiện ngân hàng

(ĐTCK) Không đưa thỏa thuận về lãi, chi phí khác vào thư bảo lãnh, một DN không thể đòi được khoản lãi cho số tiền tạm ứng đã được thỏa thuận trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Bỏ ngỏ thỏa thuận về lãi suất, DN thua kiện ngân hàng ảnh 1Phạm vi bảo lãnh rộng hơn, phí bảo lãnh sẽ nhiều hơn

 

Ngày 15/5, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về chứng thư bảo lãnh giữa CTCP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (Công ty Hóa dầu) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Đống Đa. Diễn biến vụ tranh chấp như sau:

Đầu tháng 2/2010, Công ty Hóa dầu cùng với Phân viện Khoa học công nghệ môi trường và lâm sinh nhiệt đới (Phân viện) ký kết hợp đồng trồng sắn và bao tiêu sản phẩm. Theo Hợp đồng số 12 giữa 2 đơn vị này, Công ty Hóa dầu sẽ ứng vốn cho Phân viện trồng sắn, sấy, thu hoạch. Phân viện phải mở bảo lãnh tại Agribank, mức tạm ứng là 2,4 tỷ đồng.

Ngày 9/2/2010, Agribank Chi nhánh Đống Đa và Phân viện ký hợp đồng cấp bảo lãnh với nội dung cam kết là 2,4 tỷ đồng, bảo lãnh tạm ứng theo Hợp đồng số 12, sau đó phát hành chứng thư bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh từ ngày 8/2/2010 đến ngày 31/5/2011.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Hóa dầu tạm ứng cho Phân viện 1,5 tỷ đồng. Sau khi nghiệm thu diện tích trồng sắn, hai bên đã tính toán lại và Phân viện trả lại cho Công ty Hóa dầu 300 triệu đồng. Như vậy, Công ty Hóa dầu đã tạm ứng cho Phân viện 1,2 tỷ đồng. Sau đó, Agibank Chi nhánh Đống Đa phát hành chứng thư bảo lãnh tạm ứng, điều chỉnh số tiền bảo lãnh xuống 1,2 tỷ đồng.

Kết thúc trồng sắn, căn cứ vào lượng sắn thu hoạch được, hai bên đối chiếu công nợ và Phân viện hoàn trả cho Công ty Hóa dầu 262 triệu đồng. Sau đó, Công ty Hóa dầu có đơn yêu cầu Agribank Chi nhánh Đống Đa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong tháng 5/2011, Agribank đã 2 lần thanh toán cho Công ty Hóa dầu, tổng cộng số tiền là hơn 937 triệu đồng; cộng với số tiền Phân viện đã hoàn ứng thì Công ty Hóa dầu đã nhận đủ 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giữa các bên không thể thống nhất được về khoản lãi cho số tiền tạm ứng 1,2 tỷ đồng. Đại diện Công ty Hóa dầu cho rằng, Điều 4 Hợp đồng số 12 có quy định về lãi suất và thời gian thu hồi vốn, theo đó bên B (Phân viện) có nghĩa vụ hoàn vốn ứng trước ngày 31/3/2011 và các khoản lãi. Lãi suất tính bằng lãi suất cho vay trung hạn của Agribank. Căn cứ vào Hợp đồng số 12, Agribank phát hành bảo lãnh, do đó lãi phát sinh là khoản không thể tách rời với nghĩa vụ hoàn trả tạm ứng và Agribank phải có nghĩa vụ đối với khoản lãi đã được cam kết. Theo Công ty Hóa dầu, khoản tiền ứng trước tính cả gốc và lãi tính đến ngày 31/5/2011, tức là ngày hết hạn bảo lãnh là 1,437 tỷ đồng. Agribank Chi nhánh Đống Đa còn nghĩa vụ trả nốt 237 triệu đồng và lãi đến ngày Tòa án xét xử phúc thẩm là 65 triệu đồng.

Nhưng theo đại diện Agribank, bảo lãnh mà Ngân hàng đã phát hành là bảo lãnh tạm ứng, không phải bảo lãnh vay vốn, nên nghĩa vụ của Ngân hàng không bao gồm tiền lãi phát sinh. Đến nay, Agribank đã trả đủ 1,2 tỷ đồng và thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh.

Bản án sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của Công ty Hóa dầu. Tại phiên phúc phẩm, Hội đồng xét xử cho rằng, thỏa thuận về lãi suất là thỏa thuận giữa Công ty Hóa dầu và Phân viện; Agribank chỉ có trách nhiệm đối với những cam kết trong chứng thư bảo lãnh và đến nay ngân hàng này đã thực hiện xong nghĩa vụ. Do đó, Hội đồng xét xử y án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của Công ty Hóa dầu.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, ngân hàng chỉ có trách nhiệm trong giới hạn cam kết bảo lãnh. Trong trường hợp DN muốn được bảo lãnh thêm các khoản lãi thì phải đưa vào bảo lãnh yêu cầu thanh toán các khoản lãi, lãi trong hạn, lãi quá hạn, phạt chậm trả, chi phí thu hồi tài sản, chi phí thu hồi khoản phải thu và các chi phí phát sinh khác liên quan đến khoản thanh toán gốc. Với phạm vi bảo lãnh rộng hơn, ngân hàng sẽ phải cân nhắc, thu thêm phí, nhưng quyền lợi của DN được bảo lãnh sẽ cao hơn. Như vậy, DN cần xác định rõ đối tượng và phạm vi bảo lãnh.