Theo TS. Trần Du Lịch, nền ngoại thương của một quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hóa phải hoạt động trong điều kiện xóa bỏ hàng rào thuế quan hai chiều và không nên có ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
“Một sản phẩm muốn cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, trước hết phải có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Một DN không thể có hai loại sản phẩm: tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mà chỉ nên có một mà thôi”, ông Lịch nói và cảnh báo: DN cũng cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng thị phần thái quá của một sản phẩm ở một thị trường, điều này sẽ kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá…
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2014 tăng 14,1% so với năm 2013, ước đạt 96,98 tỷ USD. Cơ cấu hàng xuất khẩu đang chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ 61% năm 2011 lên 74,1% năm 2014. Năm 2014, có 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chủ yếu là gia công, tỷ lệ nội địa hóa tăng dần nhưng vẫn còn thấp, nên giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Mối liên hệ giữa người sản xuất nguyên liệu, DN chế biến và thương nhân xuất khẩu chưa được thiết lập một cách hiệu quả để góp phần ổn định nguồn nguyên liệu và tạo sự tự chủ trong việc điều tiết lượng hàng xuất khẩu.
TS. Lịch cho biết, thiếu thị trường nguyên liệu nội địa và luôn phải nhập nguyên liệu từ các nước nên chi phí hàng xuất khẩu tăng 10 - 15% là một trong những thách thức lớn đối với chiến lược phát triển xuất khẩu của Việt Nam. Đó là chưa kể khó khăn khi phải chứng minh xuất xứ nguyên liệu để được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, các DN xuất khẩu cũng phải đối mặt với chi phí trong nước như chi phí về giao thông, cảng biển, lãi suất…
Về thị trường xuất khẩu, hiện tại, các DN Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm ở 5 thị trường lớn nhất là EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc.
Về Nhật Bản, đối tác thương mại quan trọng đứng hàng thứ tư của Việt Nam, ông Nakajima Satoshi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản cho biết, mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của Việt Nam vào thị trường này chính là nông thủy sản. Tuy nhiên, để có thể “bước chân” vào thị trường này, các DN Việt cần chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hơn nữa. Bởi lẽ, sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Nhật Bản kiểm tra khắt khe hơn đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu.
Đối với việc mở rộng thị trường các nước thành viên còn lại của Khối Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP), TS. Lịch cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giúp DN tiếp cận những thị trường này.
Các cơ quan chức năng cũng như DN cần khắc phục hạn chế về tỷ lệ nội địa hóa; sản phẩm xuất khẩu chưa khai thác được hết thế mạnh của một nền nông nghiệp nhiệt đới, nền nông nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng bán cái thị trường thế giới cần; còn quá nặng vào gia công do thiếu công nghiệp phụ trợ; rủi ro giá cả và rủi ro tỷ giá luôn hiện hữu, trong khi cơ chế giảm rủi ro này chưa được hình thành; thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng chưa đánh giá được vai trò của thị trường nội địa; trong nhiều trường hợp, xuất khẩu vẫn dồn vào một thị trường theo kiểu “bỏ trứng vào một giỏ”. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò điều phối của các hiệp hội.