Bộ ngành tạo chậm trễ trong rà soát ngành nghề kinh doanh

Mục tiêu luật hóa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội với dự thảo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi đang bị sự chậm trễ của các bộ, ngành chặn lại.
Bộ ngành tạo chậm trễ trong rà soát ngành nghề kinh doanh

Hơn 1 tuần sau hạn cuối (ngày 20/7/2014) phải gửi báo cáo rà soát, tập hợp quy định hiện hành về ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, duy  nhất Bộ Quốc phòng thực hiện.

Như vậy, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn  Tấn Dũng về việc tổng hợp báo cáo của các bộ ngành trình Chính phủ trước ngày 15/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phải trông vào nỗ lực làm việc nhóm công tác liên ngành mà Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với sự có mặt của đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia độc lập cũng như chính đội ngũ của mình.

Trước đó, vào ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn 4863/VPCP-PL tới các bộ, ngành, các cơ quan nganh bộ kèm theo danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp sơ bộ. Có khoảng 368 ngành nghề kinh doanh có điều kiện có mặt trong danh mục này. Trong số này, có khoảng 64 ngành nghề có điều kiện áp dụng riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong số 64 ngành, nghề này, chúng tôi đề xuất duy trì 31 ngành nghề. Không đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện 15 ngành, nghề và hoàn thiện quy định về điều kiện đầu tư đối với 18 ngành nghề”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trong số các ngành nghề còn lại, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết đã rà soát được 141 giấy phép thuộc thẩm quyền quản lý của 10 bộ, ngành.

“Chúng tôi đề xuất duy trì 79 giấy phép, không đưa vào danh mục 41 giấy phép và hoàn thiện quy định liên quan đến 21 giấy phép”, ông Cung nói.

Tuy nhiên, theo ông Cung, việc chủ động của nhóm công tác, mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng khó có thể làm hết được các việc cần làm.

“Hiện tại, chúng tôi mới rà soát được 368 ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện song con số này chưa chắc đã hết. Hơn thế, mấu chốt của việc này phải là điều kiện đi kèm, chắc chắn sẽ gấp nhiều lần con số này, đang được quy định phân tán tại hàng trăm văn bản từ luật, pháp lệnh cho đến thông tư, quyết định của các bộ. Có loại giấy phép để hoàn tất thủ tục cần tới 10 điều kiện. Có giấy phép này lại là điều kiện của giấy phép khác. Có những điều kiện có ở hầu hết các ngành nhưng các ngành này không có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện…”, ông Cung sốt ruột nói.

Cái khó cho nhóm công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nếu chậm trễ hơn nữa, việc thực hiện yêu cầu của đại biểu Quốc hội về việc đưa cả danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện vào dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ rất khó. Thậm chí, lo ngại về khả năng bỏ lọt những ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện kinh doanh hoàn toàn có thể xảy ra.

Phương án thúc các bộ, ngành vào cuộc đang được các chuyên gia của nhóm công tác đề xuất. Theo đó, các bộ, ngành phải có kiến nghị gửi Chính phủ về việc đăng ký các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nếu không thực hiện yêu cầu này, các ngành nghề này sẽ trở thành không có điều kiện và các nhà đầu tư, doanh nghiệp được kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Việc bỏ lọt công tác quản lý nhà nước này sẽ do các bộ, ngành chịu trách nhiệm.

“Sẽ rất khó bộ nào tự chặt chân mình nếu không có áp lực về trách nhiệm”, ông Cung nhấn mạnh.         

Tin bài liên quan