Kết thúc phiên giao dịch 27/12/2011, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex là 8.600 đồng/CP, thấp hơn giá phát hành thêm là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là thời điểm cuối cùng NĐT đăng ký thực hiện quyền mua đợt chào bán 200 triệu cổ phiếu VCG, nên khả năng thành công của Vinaconex là khá mong manh. Trong khi đó, xét trên các điều kiện pháp lý, VCG đủ tiêu chuẩn phát hành khi 2 năm liền đều có lợi nhuận.
VCG không phải là trường hợp cá biệt. Hơn 300 DN niêm yết đang có chung số phận là thị giá thấp hơn mệnh giá, tức là cơ hội chào bán cổ phiếu ra công chúng bằng 0.
Một số DN từng đề xuất ý tưởng phát hành cổ phần với giá dưới mệnh giá để thu hút được NĐT, nhưng yêu cầu này hiện chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận, vì chế độ kế toán hiện hành không cho phép DN hạch toán thặng dư vốn từ đợt phát hành là số âm.
Trước thực tế DN không thể phát hành được vì thị giá thấp hơn mệnh giá, TS. Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán cho rằng, một kỹ thuật nhỏ là gộp cổ phiếu có thể là lời giải đáp. Với việc gộp cổ phiếu, theo TS. Quý, thị giá cổ phiếu sau khi gộp sẽ cao hơn mệnh giá 10.000 đồng, tạo điều kiện cho đợt phát hành của DN thành công.
Cũng theo TS. Quý, kỹ thuật tách, gộp cổ phiếu trên thế giới rất phổ biến. Việc này không làm thay đổi cấu trúc vốn của DN, nên đương nhiên không làm thay đổi vốn điều lệ của DN.
Ở Việt Nam, hoạt động tách gộp cổ phiếu chưa có tiền lệ, DN niêm yết mới thực hiện việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu.
Điểm khác nhau căn bản của hai hình thức trên là: khi thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu thì có sự chuyển dịch cấu trúc vốn từ nguồn thặng dư vốn, quỹ lợi nhuận để lại… chuyển sang vốn điều lệ của DN, còn tách gộp cổ phiếu thì không.
Bàn về sự bất cập trên, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT Sở GDCK TP. HCM cho rằng, đây là vấn đề cần phải sớm xử lý. Gốc rễ của câu chuyện là Luật Doanh nghiệp đưa ra khái niệm mệnh giá cổ phiếu và Luật Chứng khoán làm rõ thêm khái niệm này bằng quy định mệnh giá cổ phiếu DN niêm yết là 10.000 đồng/CP. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam so với thông lệ quốc tế.
Theo ông Trà, việc mệnh giá bị chốt chặt ở mức 10.000 đồng/CP đã gây ra sự khó xử khi DN muốn thực hiện nghiệp vụ cơ bản nhất là tách, gộp cổ phiếu.
Tại những TTCK phát triển, khái niệm mệnh giá chỉ có tính danh nghĩa, không có tác động gì trong hoạt động phát hành của DN, thậm chí tại nhiều thị trường không có khái niệm mệnh giá cổ phiếu, mà chỉ có khái niệm giá trị sổ sách và thị giá.
Thống kê của UBCK từ đầu năm 2011 đến nay, DN mới huy động được chưa đầy 20.000 tỷ đồng qua TTCK, đây là một con số đáng báo động trong bối cảnh vai trò chính của TTCK là giúp DN huy động vốn.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc UBCK và các cơ quan liên quan cần thay đổi khái niệm mệnh giá, theo hướng hoặc bỏ hẳn khái niệm này, hoặc trao quyền chọn mệnh giá cổ phiếu cho DN.
Nếu hướng đi này phải đợi Luật Chứng khoán sửa đổi (năm 2014) mới làm được, thì nên thay đổi chế độ kế toán khi DN phát hành cổ phiếu với giá dưới mệnh giá, để gỡ khó cho DN huy động vốn.