Thực tế cho thấy, không phải đến nay, mà ngay từ khi áp dụng, quy định về nộp phí phòng cháy chữa cháy đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bên liên quan.
“Lúc đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công An cùng xây dựng nghị định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó đề xuất các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải nộp cho cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy 10% doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để làm kinh phí phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải sự phản đối của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cũng như IAV, nên mức nộp giảm còn 5%”, ông Lộc nhớ lại.
Ông Lộc chia sẻ, phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc khi chuyển giao phần nhận tái bảo hiểm cho nhà tái bảo hiểm nước ngoài bị trừ 5% kinh phí phòng cháy chữa, cháy cũng không được họ chấp nhận, vì theo quy định quốc tế, chi phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy do ngân sách nhà nước chi trả, người dân và DNBH không phải đóng góp khoản này.
“Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức phí này được thu từ phí bảo hiểm, đồng nghĩa với việc người mua bảo hiểm là người dân và tổ chức/doanh nghiệp phải đóng góp”, ông Lộc nói và cho biết, do dó, đến năm 2010, khi ban hành Thông tư 220 hướng dẫn thi hành thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, việc Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mức đóng góp xuống 5% trên phí bảo hiểm giữ lại sau khi đã tái bảo hiểm khiến ý tưởng muốn thu về khoản kinh phí phòng cháy, chữa cháy lên đến mấy trăm tỷ đồng mỗi năm của nhà hoạch định “vỡ mộng”.
Theo thống kê của cơ quan cảnh sát phòng, cháy chữa cháy, giá trị tài sản các cơ sở có nguy cơ cháy nổ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc lên tới 14 triệu tỷ đồng, đồng nghĩa với việc tạo ra khoảng 140.000 tỷ đồng tiền phí bảo hiểm (mức phí bảo hiểm theo quy định là 1% doanh thu).
“Thực tế, mấy năm gần đây, kinh phí DNBH đóng góp chỉ từ 15-30 tỷ đồng/năm thấp hơn nhiều so với số tiền ngân sách nhà nước phải chi hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Bởi vậy, nên bỏ khoản kinh phí này”, ông Lộc khuyến nghị.
Nghiên cứu của một số chuyên gia pháp lý cũng cho thấy, hiện tại, các quy định hiện hành đã loại bỏ hầu hết yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải đóng góp những loại kinh phí như trên. Đơn cử, Luật Doanh nghiệp quy định, ngoài các khoản đóng góp thuế, lệ phí thì doanh nghiệp không phải đóng thêm khoản phí nào khác.
Theo Báo cáo tổng kết, 10 năm qua, các DNBH phi nhân thọ đã trích nộp tổng số tiền khoảng 72,47 tỷ đồng (tương đương 5% phí bảo hiểm tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm giữ lại của DNBH) để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, góp phần đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ tuyên truyền, khen thưởng, phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện công tác đề phòng, hạn chế tổn thất cháy nổ....
Cũng theo Báo cáo này, Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã tạo lập hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất, thuận lợi cho các DNBH trong triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nâng cao nhận thức về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ.
Bên cạnh đó, hàng năm, IAV tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động của DNBH, trong đó có nội dung về việc triển khai chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhằm chấn chỉnh các vi phạm, cũng như đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các DNBH.
Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay, cả nước có 77.892 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định, trong đó có 43.693 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy nổ (chiếm 56%). Trong số các cơ sở đã mua bảo hiểm cháy nổ, có 39.142 cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và 4.551 cơ sở mua bảo hiểm mọi rủi ro (trong đó có rủi ro cháy, nổ).
Hiện có 29 DNBH triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, với doanh thu phí bảo hiểm gốc trong giai đoạn 2007-2016 đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của loại hình bảo hiểm này vào khoảng 3.500 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 39,3%), góp phần giúp các tổ chức, cá nhân không may bị thiệt hại do cháy, nổ kịp thời và chủ động hơn trong việc khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
(Nguồn: Bộ Tài chính, Bộ Công an)