Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị ngưng hiệu lực 2 năm
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” và Thông tư số 09/2021/TT-BKHCN ban hành “Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ”.
Thời gian ngưng hiệu lực thi hành được đề xuất từ ngày 1/3/2024 đến hết 1/3/2026 đối với các Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN, Thông tư số 09/2021/TT-BKHCN.
Theo Dự thảo, thép không gỉ sản xuất trong nước và nhập khẩu đã được chứng nhận/giám định phù hợp QCVN 20:2019/BKHCN và Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN và lưu thông trên thị trường trước ngày 1/3/2024 được tiếp tục sử dụng dấu hợp quy đến hết hiệu lực của Giấy chứng nhận/giám định đã cấp và được tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Khoa học và Công nghiệp cho biết là để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thép không gỉ. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất thời hạn áp dụng Quy chuẩn quốc gia về thép không gỉ, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn sản xuất sản phẩm thép không gỉ tại Việt Nam.
VCCI kiến nghị bãi bỏ hẳn
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ được quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BKHCN và Thông tư 09/2021/TT-BKHCN.
Ý kiến này đã được VCCI gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia. Trong đó, VCCI nhắc tới 3 lý do.
Thứ nhất, việc quản lý thép không gỉ bằng quy chuẩn kỹ thuật theo Danh mục hàng hoá nhóm 2 là không phù hợp.
Viện dẫn Điều 3.4, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá 2007 quy định “sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường”, VCCI cho rằng, thép không gỉ là nguyên liệu để sản xuất ra các loại hàng hoá khác, trong đó có nhiều mục đích không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như làm đồ trang trí, bàn, ghế, khung tranh, cửa sổ, thùng rác, tay vịn cầu thang…
“Việc quản lý thép không gỉ sử dụng cho các mục đích này bằng quy chuẩn kỹ thuật theo diện hàng hoá nhóm 2 là không đúng với điều khoản trên”, VCCI lý giải.
Ngược lại, một số sản phẩm sử dụng thép không gỉ có thể gây mất an toàn như dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm (nguy cơ thôi nhiễm), các bộ phận chi tiết của các loại hàng hoá có nguy cơ mất an toàn khác như phương tiện giao thông, máy móc lao động, thang máy… Tuy nhiên, các sản phẩm này đều đã có các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với từng sản phẩm (dành cho dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, ô tô, xe máy, thang máy…).
Đây là lý do VCCI tiếp tục giữ quan điểm đã được nhắc đến trong các cuộc làm việc trước đó về nội dung này, đó là nếu cho rằng Quy chuẩn 20 được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho các sản phẩm này thì sẽ gây chồng chéo, trùng lặp về chức năng quản lý.
Thứ hai, QCVN 20:2019/BKHCN ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng khi hạn chế quyền lựa chọn hàng hoá phù hợp với nhu cầu.
Trong văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, VCCI không đồng tình với quan điểm cho rằng Quy chuẩn 20 giúp loại bỏ các loại thép chất lượng thấp trên thị trường, giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng hoá chất lượng tốt hơn.
“Nếu như trước đây, người tiêu dùng được chủ động lựa chọn hàng hoá với chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu thì nay Quy chuẩn 20 đã loại bỏ một số loại thép có giá thành rẻ, buộc người tiêu dùng phải bỏ nhiều tiền hơn để mua sản phẩm được làm từ inox có chất lượng cao hơn so với nhu cầu của họ”, VCCI làm rõ ý kiến.
VCCI cũng nhắc đến thực tế cơ quan nhà nước lo ngại tình trạng một số doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng, cung cấp thép chất lượng kém nhưng quảng cáo là chất lượng tốt. Tuy nhiên trong trường hợp này, hệ thống pháp luật đã có đầy đủ các quy định xử lý hành vi lừa đảo, lừa dối khách hàng, quảng cáo gian dối, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng theo pháp luật hành chính và hình sự.
“Cơ quan nhà nước cần nghiêm khắc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm chứ không nên ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cấm một mặt hàng chỉ vì chất lượng thua kém mặt hàng khác”, VCCI gửi kiến nghị tới Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ ba, với việc đặt ra Quy chuẩn 20 thì dường như đang tạo thuận lợi cho hàng hoá nhập khẩu thay vì bảo vệ và khuyến khích sử dụng hàng hoá cùng loại sản xuất trong nước.
Các quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN khiến thép không gỉ không thể nhập khẩu để làm nguyên liệu gia công hàng hoá trong nước. Tuy nhiên, hàng hoá sử dụng loại thép này lại không cần kiểm tra theo QCVN 20:2019/BKHCN và được nhập khẩu bình thường.
QCVN 20:2019/BKHCN đang bảo hộ ngược?
Trong văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, VCCI thể hiện quan điểm quy định này khiến các doanh nghiệp ưu tiên nhập hàng hoá thành phẩm thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp gia công thép không gỉ trong nước phản ánh tình trạng họ mất toàn bộ thị phần trước hàng hoá nhập khẩu do không thể nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.
Đơn cử, một doanh nghiệp dệt may phản ánh với VCCI về vướng mắc của Quy chuẩn 20 như sau:
Doanh nghiệp đó có nhu cầu nhập khẩu thép không gỉ để dập ra các phụ kiện như cúc áo, phéc-mơ-tuya trong các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, họ không thể nhập khẩu loại inox mong muốn vì Quy chuẩn 20 không cho phép. Doanh nghiệp cũng không thể đổi sang loại inox khác đắt tiền hơn vì đây là yêu cầu của chuỗi cung ứng buộc doanh nghiệp gia công phải sử dụng nguyên liệu và nhà cung cấp được chỉ định.
Sản phẩm dệt may sản xuất ra được xuất khẩu đi các nước trên thế giới, bao gồm cả nhiều nước phát triển, nhưng lại không thể tiêu thụ tại Việt Nam.