Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại cuộc họp báo

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại cuộc họp báo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực sớm đưa các luật mới đi vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành các nghị định hướng dẫn để đảm bảo 3 luật mới được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực.

Khẳng định tại cuộc họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) diễn ra chiều nay (10/7) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, đây là những đạo luật có ý nghĩa hết sức quan trọng và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành rất cao.

Với tầm quan trọng rất lớn của 3 Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành các nghị định hướng dẫn để đảm bảo các quy định của Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 được xây dựng và ban hành với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đạt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4. Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) cho biết, Luật có 5 cải cách quan trọng nhất, bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”; thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.

Luật Doanh nghiệp là một trong số ít những Luật được áp dụng thực thi ngay đúng theo tinh thần của Luật mà không cần có các văn bản cấp nghị định hướng dẫn.

Đối với Luật Đầu tư sửa đổi 2020 được xây dựng và ban hành với mục tiêu nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Luật có 7 chương với 77 điều và 4 phụ lục, quy định các nội dung cụ thể về: nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư...

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật này tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp (gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV).

Luật cũng bổ sung kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; đồng thời tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật này đã quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận "chọn bỏ" (Điều 9).

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật Đầu tư sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.

Luật đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng, trong đó đặc biệt có bổ sung quy định không gia hạn thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn.

Đồng thời, bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng.

Theo ông Tuấn, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phân công soạn thảo 7 Nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Trong khi đó, Luật Đầu tư PPP được xây dựng và ban hành với quan điểm, mục tiêu là ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các luật khác.

Việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.

Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

“Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam”, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Ông Trương cho biết, liên quan đến lĩnh vực đâu tư, Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, cụ thể bao gồm giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thuỷ điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thuỷ lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục- đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng.

Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng. Theo dự kiến, Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn Luật PPP và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2021.

Tin bài liên quan