Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thành Nguyễn.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cố gắng để có quy hoạch tổng thể quốc gia tốt nhất"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là khẳng định được Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra tại Hội thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tổ chức sáng 26/7/2022 tại Hà Nội..

Tại hội thảo, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày khái quát về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch lần này có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo theo tiêu chí xây dựng quy hoạch quốc gia mà nhiều nước đã triển khai, thực hiện trước đây như: nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương; kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quy hoạch từ nhiều quốc gia như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu…

Báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia có kết cấu thành 6 phần chính, với các nội dung quan trọng như: Các yếu tố, điều kiện phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia; Quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển và những vấn đề trọng tâm trong thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050; Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực (bao gồm định hướng phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh; các ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu); Định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ (bao gồm định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, không gian biển, vùng trời, sử dụng đất, phân vùng và liên kết vùng, hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia); Các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các dự án quan trọng quốc gia; Kinh nghiệm quốc tế, kịch bản phát triển,…

Quy hoạch không gian đô thị là một vấn đề luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Quy hoạch không gian đô thị là một vấn đề luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Góp ý cho quy hoạch quốc gia, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, dù gọi là quy hoạch quốc gia, nhưng không có nghĩa là sẽ đưa được tất cả mọi thứ vào quy hoạch, quan trọng là việc tính toán để thích ứng với các yếu tố bất động trong tương lai.

Bà Carolyn Turk cho rằng, cần có sự thay đổi về cách tiếp cận theo hướng tổng thể quốc gia – vùng, thay vì theo từng địa phương như trước đây. Trong đó, có một số nội dung cần quan tâm như: Quy hoạch cần cân đối giữa các mục tiêu phát triển, xác định mục tiêu ưu tiên để đầu tư nhiều hơn về nguồn lực. Đặc biệt, quy hoạch phải thể hiện được tầm nhìn phát triển, trên phương pháp luận rõ ràng, cơ sở phân tích chắc chắn.

Theo bà Carolyn Turk, vấn đề quan trọng không phải là quy hoạch tốt đến đâu, mà là triển khai thực hiện quy hoạch tốt đến đâu. Trong tiến trình triển khai, Việt Nam cần cân nhắc các yếu tố hạn chế về nguồn lực, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đầu tư. Với các vùng động lực, hành lang kinh tế, cần đảm bảo rằng hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư theo chiều dọc, chiều ngang, theo cấp vùng có sự phù hợp, có sự linh hoạt trong phối hợp giữa trung ương và địa phương.

TS. Danny Leipziger từ Ngân hàng Thế giới đánh giá cao quy hoạch lần này khi đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế, cùng với đó là các vấn đề về điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ.

TS. Danny Leipziger cho rằng, vấn đề lớn với các bản quy hoạch tới năm 2030 trở đi là yếu tố bất định ngày càng tăng lên, cả trong điều hành kinh tế và đầu tư: từ địa chính trị, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, đại dịch… Do đó, Việt Nam cần phải hạn chế tạo ra các tài sản lãng phí, tài sản không sử dụng. Để làm được điều này, phía cơ quan xây dựng và quản lý phải coi bản quy hoạch là tài liệu sống, liên tục cập nhật, bám thực tế. Cùng với đó là việc theo dõi, đánh giá một cách chủ động kinh nghiệm các quốc gia và tiến hành đánh giá, điều chỉnh hàng năm cho kế hoạch.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối xây dựng quy hoạch, đối với các vấn đề về pháp lý, khoa học đều hết sức mới mẻ. Và vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong quá trình xây dựng, Bộ vừa triển khai làm, vừa lắng nghe tham khảo ý kiến rộng rãi trong nước và quốc tế, đặc biệt là ý kiến các chuyên gia một cách cầu thị để thực hiện xây dựng quy hoạch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện quy hoạch trong thời gian dài hạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm, khi cả thế giới, khu vực và trong nước đang biến đổi hàng ngày, hàng giờ, việc hình dung ra lộ trình ổn định cho tầm nhìn dài hạn là không dễ, nhưng Bộ sẽ nỗ lực để quy hoạch luôn đúng trong từng hoàn cảnh, bối cảnh, giai đoạn phát triển của đất nước.

“Bản quy hoạch sẽ trình hội đồng thẩm định, rồi trình Chính phủ, Quốc hội thông qua, Đây là bản quy hoạch rất quan trọng, có vai trò trung tâm, định hướng lớn với toàn hệ thống quy hoạch của cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực đi từng bước chắc chắn để có được bản dự thảo quy hoạch tốt nhất. Đúng là khó có được bản quy hoạch hoàn hảo nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cố gắng nỗ lực để làm những điều tốt nhất có thể cho quy hoạch lần này”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan