Tại cuộc làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Định, đây là trận mưa lũ gây mức độ thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay cho địa phương do kéo dài liên tục trong vòng hơn 1 tháng với 5 trận lũ liên tiếp. Đặc biệt, hậu quả do mưa lũ gây ra không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hiện tại của người dân trên toàn địa bàn, mà còn có tác động về lâu dài, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động phát triển kinh tế xã hội của Bình Định.
Để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, toàn bộ các cơ quan lãnh đạo tỉnh cho đến các cấp các ngành đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ. UBND tỉnh đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành phối hợp các địa phương kiểm tra thiệt hại do mưa lũ và đề xuất giải pháp khắc phục khẩn trương để bảo đảm việc đi lại cho nhân dân và bảo đảm phục vụ trước mắt cho sản xuất vụ Đông - Xuân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân bị thiệt hại vì lũ lụt của tỉnh Bình Định
UBND tỉnh đã sử dụng hơn 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2016 hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ và các đoàn thể đang triển khai các hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống nhân dân. Đã tổ chức cứu trợ cho nhân dân bị thiệt hại với giá trị 61,5 tỷ đồng.
Đánh giá về những thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không kịp thời có các biện pháp khắc phục mang tính toàn diện và hiệu quả trong trước mắt và dài hạn thì thiệt hại lũ lụt rất có thể sẽ làm tỉnh Bình Định tụt hậu khoảng 5 năm phát triển.
Bộ trưởng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ vừa về thăm làm việc với tỉnh Bình Định và đã có kết luận về chủ trương nhanh chóng hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai trước mắt và lâu dài. Theo tinh thần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn nhất quán việc triển khai thực thi chú trương này một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn ủng hộ chủ trương kế hoạch khắc phục thiên tai của các tỉnh bị lũ lụt và trên tinh thần ủng hộ, sẽ có biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ”, Bộ trưởng Dũng nói và cho biết, các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng do lũ lụt làm thủ tục hồ sơ đúng quy trình, đảm bảo chất lượng đi qua đâu được chỗ đó, tránh bị trả lại bổ sung. Bộ cũng sẽ sẵn sàng ủng hộ toàn diện trên tinh thần làm nhanh để đảm bảo đáp ứng yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh, Đoàn đã đi thăm trực tiếp hiện trường tại xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ, xã Cát Sơn huyện Phù Cát và thị trấn Diêu Trì thuộc huyện Tuy Phước. Đây là 3 trong nhiều địa bàn chịu thiệt hại nặng nề hết sức nghiêm trọng của tỉnh Bình Định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm hỏi nhân dân tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng bởi lũ lụt
Riêng tại xã Mỹ Chánh hàng chục ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hệ thống đê kè bị vỡ sạt lở nặng gây sa bồi, cát tràn vào lấp đầy mất hơn 100 ha đất trồng lúa màu mỡ nhất không thể trồng cấy. Còn tại xã Cát Sơn, cầu Dịch Nghi là một trong những cây cầu huyết mạch lớn nối tuyến đường tỉnh lộ 634 đã bị sập đổ hoàn toàn, ngoài ra có 2 cầu lớn thuộc tỉnh lộ, 14 cầu liên xã cũng bị gãy, sập gây chia cắt giao thông trên địa bàn xã, ảnh hưởng nặng nề tới tình hình sản xuất, giao thông và cuộc sống của người dân trên địa bàn. Toàn huyện Phù Cát có tới 9 người chết, mất tích,ước tính thiệt hại toàn huyện lên tới 600 tỷ đồng.
Ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện đã hỗ trợ nhà sập với mức hỗ trợ 50 - 100 triệu đồng/hộ, trong khi chờ kinh phí của tỉnh cấp, trước mắt huyện đã chủ động ứng trước một nửa kinh phí để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống và chuẩn bị đón tết Nguyên đán.
Chứng kiến hậu quả nghiêm trọng do thiên tai lũ lụt gây ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hết sức chia sẻ và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới những thiệt hại mất mát của nhân dân và lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Trận lũ lụt vừa qua gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh Nam Trung Bộ
“Tỉnh Bình Định bị trận lũ chưa từng có gây tác động lớn, để có nguồn lực, khôi phục thế nào mất rất nhiều thời gian, huống hồ trong điều kiện ngân sách eo hẹp, nhu cầu đầu tư lớn lại phải xử lý hậu quả thiên tai nặng nề. Do đó, cần thấy được trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong việc tham gia kịp thời hiệu quả để hỗ trợ tỉnh khắc phục một phần hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục việc đi lại sinh hoạt và sản xuất của nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Nhân dịp này, đại diện cho toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trân trọng trao tặng đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định tiền quyên góp ủng hộ nhân dân Bình Định vùng chịu thiệt hại mưa lũ với trị giá số tiền ủng hộ gần 500 triệu đồng.
Ông Sebastian Eckard, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới:
Kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương của tỉnh Bình Định cho thấy rất cần sớm có các biện pháp hữu hiệu nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết lại cơ sở hạ tầng để ổn định cuộc sống của người dân cũng như khôi phục kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiện Ngân hàng Thế giới đang triển khai 3 dự án chống rủi ro thiên tai, trong đó có hợp phần bổ sung phục vụ tái thiết sau thiên tai, đây là công cụ có thể giúp hỗ trợ nhanh nhất khẩn cấp tái thiết lại cở sở hạ tầng của tỉnh Bình Định.
Ngân hàng Thế giới hoàn toàn hiểu rõ hơn lúc nào hết cần có cần có nguồn vốn tái thiết cho tỉnh, do đó chúng tôi cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm tìm ra phương thức và nguồn vốn hỗ trợ một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất nhằm khôi phục tái thiết cơ sở hạ tầng của tỉnh trong trước mắt và dài hạn.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có tới 46 người chết (trong đó có 07 người mất tích), 10 người bị thương, 908 nhà sập hoàn toàn, 409 nhà hư hỏng và 110.697 lượt nhà ngập nước. Về giao thông, hơn 240,7 km đường bị hư hỏng, sạt lở, 113 cống tiêu và 57 cầu bị sập, hư hỏng, 310 điểm sạt lở nặng, ách tắc giao thông. Hệ thống thủy lợi, đê điều bị hư hỏng nặng với 86,67 km đê, kè bị sạt lở nặng, 285,3 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, 227 đập tạm, đập dâng nhỏ bị hư hỏng, 32 km bờ sông bị sạt lở.
Đặc biệt, toàn địa phương có 2.253 ha lúa Mùa đang trỗ chín bị ngập, ngã; 18.829 ha lúa Đông Xuân mới sạ bị ngập, hỏng giống hoàn toàn; 5.262 ha hoa màu bị ngập hư hỏng; 3.775 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá; 200 ha cây giống bị hư hại; 23 ha cây công nghiệp bị hư hỏng; 36.600 con gia súc, 196.200 con gia cầm bị ngập chết, cuốn trôi; 4.848 tấn lương thực, 1.012 tấn lúa giống bị ngập, hư; 1,3 triệu cây mai ngập nước, hư hỏng; 338 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và 25 tàu cá bị chìm, hư hỏng nặng (trong đó có 22 tàu bị vỡ và chìm). Ước tính tổng giá trị thiệt hại ước tính 2.214 tỷ đồng.