Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2024 (Ảnh: VGP)
Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương một lần nữa khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục đạt được “nhiều kết quả tích cực, quan trọng”.
“Nền kinh tế đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, với nhiều điểm sáng, nhất là trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và đã viện dẫn một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô để chứng minh cho xu hướng tích cực của nền kinh tế.
Một trong số đó, là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.
Cùng với đó, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới; thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 8 tháng tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 19,1 tỷ USD…
“Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về phía cung, đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%.
“Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 đạt 52,4 điểm. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp PMI trên 50 điểm, cho thấy sản xuất công nghiệp đã phục hồi rõ nét”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Trong khi đó, về phía cầu, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ; vốn thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,9% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,5%; khách quốc tế 8 tháng đạt khoảng 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8%...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, thị trường bất động sản có chuyển biến; các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản được quyết liệt tháo gỡ, nhất là các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố…
Phấn đấu cả năm đạt tăng trưởng GDP trên 7%
Mặc dù khẳng định nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng trước dịch, nhưng một lần nữa, rất thẳng thắn, trong báo cáo trình lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam.
“Những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt cải thiện, tháo gỡ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Báo cáo Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, về phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao; tình hình bão lũ, mưa lớn phức tạp, kéo dài, nhất là ở khu vực phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế thế giới, tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm, nhất là các dự án có quy mô lớn, dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Trong khi đó, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chíp, bán dẫn, AI… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực nếu không có cơ chế, chính sách đột phá.
Còn về phía cầu, thì đầu tư tiếp tục phục hồi chậm. Sức mua trong nước 8 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; tốc độ tăng trưởng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, chỉ đạt 5,3%.
Các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị trường thế giới và trong nước, rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá, đồng thời phải đáp ứng nhanh hơn các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.
“Ổn định kinh tế vĩ mô cũng còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do các yếu tố bên ngoài”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh và cho rằng, tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng có dấu hiệu giảm, nhưng áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, nhất là biến động giá cả hàng hóa thế giới, giá lương thực, thực phẩm tại các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và tâm lý, kỳ vọng của người dân.
Những khó khăn khác còn là tín dụng tăng trưởng chưa cao; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn…
Khó khăn là vậy nhưng quyết tâm vẫn rất lớn. Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, hiệu quả hơn nữa, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự bản lĩnh, đột phá, đổi mới, sáng tạo trong tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8-7% và phấn đấu trên 7%.