Các thành công đã đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa này, đã được Thủ tướng Chính phủ nêu lên với sự tin tưởng và đánh giá cao. Thứ nhất, Bộ Kế hoạch đã kịp thời đánh giá rủi ro, hoàn thiện và trình Chính phủ các kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp.
Thủ tướng cũng đặc biệt đánh giá cao Bộ đã chuẩn bị nhiều báo cáo quan trọng trình Trung ương đảng, trở thành văn kiện báo cáo Bộ Chính trị, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các giai đoạn trong trung hạn và dài hạn, các chương trình tầm nhìn chiến lược trong các giai đoạn.
Cũng theo Thủ tướng, các Tổ công tác tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, trong đó trực tiếp Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã góp phần tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách có tính hiệu quả cao và thiết thực đối với nền kinh tế như các chính sách tiền tệ, tài chính, tăng trưởng ngoại hối, tập trung tín dụng, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ hai, Bộ đã chủ trì thành công công tác hoàn thiện thể chế, mà theo đánh giá của Thủ tướng đây là một trong những thành công nổi bật nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nhiệm kỳ này. Trong đó góp phần hoàn thiện việc xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành một loạt các bộ luật quan trọng tạo nền tảng thể chế hoàn thiện cho phát triển kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt như các luật có vai trò hết sức quan trọng như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…
Thủ tướng cũng đánh giá rất cao việc đề xuất bãi bỏ cơ chế xin cho tại chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bãi bỏ quy hoạch sân golf, giấy phép BOT…, coi đây những thành công có ý nghĩa rất thiết thực và đúng đắn tạo định hướng quan trọng trong công tác cải cách nói chung của các cơ quan Bộ ngành nhà nước.
Thứ ba, Bộ đã chủ trì phối hợp cùng các bộ liên quan trình đề án cơ cấu lại đầu tư công thu hút tối đa nguồn lực đầu tư hiệu quả cho xã hội, khắc phục tình trạng đầu tư công tràn lan kém hiệu quả, dây dưa…
Kế thừa tinh thần này, Thủ tướng bày tỏ việc xây dựng luật tới đây cần loại bỏ yếu tố tiêu cực phát huy yếu tố tich cực, việc sửa luật các văn bản pháp quy cần minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp để phát huy hiệu quả nguồn lực và sức đóng góp của người dân và doanh nghiệp đầu tư được đúng chỗ, đẩy mạnh tăng trưởng phát triển.
Thành công thứ tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng rất khen ngợi là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện MTDTKD, chủ động ban hành trình Chính phủ các nghị định, nghị quyết về đẩy mạnh cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí cho DN. Cắt giảm và thuận lợi hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc đăng ký thành lập và gia nhập thị trường, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần tiên phong đi trước, làm việc nhanh nhạy hơn, chủ động hơn.
Thủ tướng cũng ghi nhận việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành báo cáo kiểm kê đánh giá các nguồn lực của quốc gia theo yêu cầu của Bộ Chính trị, đánh giá cao đề án về khu vực kinh tế chưa quan sát ở Việt nam.
“Tính sót của chúng ta rất lớn. Tới đây cần đánh giá độc lập các số liệu này, chốt lại phương án trình Chính phủ quyết định. Đánh giá này không phải là bệnh thành tích mà phải kiểm kê quy mô thực sự của nền kinh tế để có bước đi chuẩn xác trong phát triển”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thành công tiếp theo được người đứng đầu Chính phủ ghi nhận là công tác thu hút đầu tư nước ngoài, Với tổng vốn đầu tư FDI trong năm 2018 thu hút 36 tỷ USD, giải ngân hơn 19 tỷ FDI có chọn lọc, nhiều dự án công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và duy trì phát triển lâu dài bền vững. Bên cạnh đó, với tổng số trên 131 nghìn DN mới thành lập trong nước đã mang lại nhiều tín hiệu hết sức tích cực về sự vươn lên phát triển của khu vực kinh tế trong trong nước. góp phần cùng với khu vực đầu tư nước ngoài đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, đưa Việt nam trở thành điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn của khu vực châu Á TBD cũng như của thế giới.
“Thu hút FDI có công sức rất lớn của nhiều thế hệ cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đây đó còn tồn tại song cần khắc phục điểm yếu, phát huy điểm tích cực để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Liên quan tới quan hệ với an ninh quốc phòng, ANQP phải có tư duy mới, có nhiều dự án chính là bảo nền quốc phòng bền vững hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng hết sức hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng mang lưới nhân lực quốc gia về đổi mới sáng tạo, tổ chức thành công sự kiện kết nối 100 trí thức, thực hiện thành công mục tiêu của Bộ 2018 là tiên phong đi trước, năm bắt cơ hội, đổi mới sáng tạo góp phần tạo động lực lớn cho phát triển.
“Tôi đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo của bộ đoàn kết thống nhất, nhiều cán bộ trẻ xuất hiện, anh em cơ bản có chí tiến thủ rèn luyện đổi mới đất nước. nỗ lực của MPI là cơ quan thường trực lực lượng chủ đạo trong tiểu ban kinh tế xã hội, trong tổ biên tập xây dựng chiến lược phát triển KTXH xây dựng đất nước, trong đó có công sức và cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, nhiều vụ cục có cán bộ rất tốt, đây là sự cố gắng của cả hệ thống, có công lớn của đội ngũ lãnh đạo trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng” Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như công tác đánh giá, quản lý, giải ngân vốn đầu tư công đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước nhưng còn chậm. Công tác quản lý, phân bổ còn thiếu linh hoạt. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được tổ chức tốt.
“Các tồn tại, bất cập trên không hoàn toàn là lỗi chủ quan của Bộ KH&ĐT, nhưng với vai trò tổng tham mưu về kinh tế - xã hội, Bộ cần thể hiện tinh thần chủ động, đánh giá đúng sự thật để có hướng khắc phục trong thời gian tới với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế””, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng nêu lên các thách thức trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới phức tạp, đồng thời đặt ra 5 bài toán lớn đối với Việt Nam, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là bộ tổng tham mưu có những kế sách và sáng tạo để góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội 2019 để tạo bứt phá cho không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các lĩnh vực.
Đổi mới về tư duy và hành động
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ trong toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt lên chính mình.
Cùng với đó đã đạt nhiều kết quả đổi mới về tư duy và hành động, tiên phong, đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò tham mưu tổng hợp chiến lược, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khẳng định được vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với truyền thống hơn 70 năm thành lập và phát triển của ngành và cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng cho biết, toàn ngành đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, xây dựng thể chế, pháp luật để từ đó lan tỏa quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Chính phủ.
Điển hình là Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Bộ trong công tác xây dựng thể chế; quyết tâm tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, Bộ chủ động nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo những cơ chế, thể chế, động lực mới vượt trội, hiệu quả hơn, đón bắt được những xu hướng tiến bộ mới của thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, giải phóng nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Gần đây, Bộ đã chủ trì tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, nhờ đó, môi trường kinh doanh, đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, góp phần nâng chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đạt được kết quả rất tích cực trên bảng xếp hạng quốc tế.
Trong năm vừa qua, Bộ cũng đã tham mưu xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, phục vụ công tác điều hành của chính phủ, kiên định mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; phối hợp tốt các cơ quan tổng hợp trong điều hành linh hoạt các chính sách tài chính, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. chủ động đề xuất và tổ chức xây dựng nhiều đề án lớn với nhiều sáng kiến.
Năm 2018, doanh nghiệp đăng ký mới đạt mức kỷ lục trên 120 nghìn doanh nghiệp
Đặc biệt, theo vị tổng tư lệnh ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như toàn ngành luôn giữ vững được ngọn cờ cải cách, luôn đi đầu trong đổi mới, nhất là trong công tác kế hoạch hóa, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng, vẫn còn rất nhiều các nhiệm vụ, công việc mà với vị trí, vai trò và trọng trách là cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả bứt phá trong tất cả các chính sách và giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
“Bước sang năm 2019, năm “bứt phá” để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý thức được rằng, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi tất cả cán bộ, công chức, viên chức của ngành và cơ quan phải nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Để tạo điều kiện cho ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Thủ tướng quan tâm, hoàn thiện cơ cấu chức năng nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo mô hình một cơ quan có chức năng chủ yếu là cải cách và phát triển, cơ quan tham mưu quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đề xuất các giải pháp để triển khai kịp thời công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Bộ trưởng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức họp Hội đồng Quy hoạch quốc gia và sớm nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về Đề án phân lại vùng kinh tế để kịp thời xây dựng quy hoạch vùng; Chính phủ sớm ký ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Quy hoạch và một số văn bản liên quan…
Đây là những văn bản rất quan trọng để sớm triển khai các hoạt động xây dựng quy hoạch, phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, kịp thời phục vụ đại hội các cấp và toàn quốc.
Bộ trưởng đề xuất giải pháp phối hợp làm việc giữa các bộ, ngành địa phương để tăng cường hơn nữa hiệu quả, chất lượng, tiến độ công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu về cơ chế chính sách, theo hướng tăng vai trò tự chủ, chủ động và chịu trách nhiệm của cơ quan chủ trì và người đứng đầu của cơ quan chủ trì…
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án thực hiện xây dựng trung tâm điều hành kinh tế - xã hội của ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê theo hướng phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, phù hợp với lộ trình tích hợp cơ sở dữ liệu lớn gắn với định hướng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nguồn cơ sở dữ liệu cho công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ.