Hội thảo lấy ý kiến thu hút sự tham gia của nhiều địa phương từ Nghệ An đến Bình Thuận. Ảnh: Linh Đan
Sáng 9/9, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương điều hành Hội thảo.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương. Hầu hết các địa phương có chung quan điểm rằng, các đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn rất lớn cho các địa phương, cũng như khơi thông nguồn lực đầu tư.
Trình bày các điểm dự kiến đề xuất sửa đổi, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.
Theo đó, trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đề xuất này được ông Nguyễn Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá là rất phù hợp trên thực tiễn.
“Việc không tách tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập lâu nay có một thực tế là dự án bị “kéo rê”, khó thực hiện. Dự án đã duyệt xong quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chưa giải tỏa, đền bù được thì vẫn phải kéo dài. Điều này không chỉ liên quan đến tiến độ thực hiện, mà còn ảnh hưởng cả kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư hằng năm của địa phương”, ông Cường chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương điều hành Hội thảo lấy ý kiến. Ảnh: Linh Đan |
Luật Đầu tư công hiện hành quy định dự án quan trọng quốc gia: 10.000 tỷ đồng trở lên; Dự án nhóm A có 4 mức: Từ 800 tỷ đồng; Từ 1.000 tỷ đồng; Từ 1.500 tỷ đồng; Từ 2.300 tỷ đồng; Dự án nhóm B: Có 4 mức: 45 đến 800 tỷ đồng; 60 đến 1.000 tỷ đồng; 80 đến 1.500 tỷ đồng; 120 đến 2.300 tỷ đồng; Dự án nhóm C có 4 mức: Dưới 45 tỷ đồng; Dưới 60 tỷ đồng; Dưới 80 tỷ đồng, Dưới 120 tỷ đồng.
Từ đó, Dự thảo đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tăng lên 2 lần. Cụ thể, dự án quan trọng quốc gia: 30.000 tỷ đồng trở lên; Dự án nhóm A có 4 mức: Từ 1.600 tỷ đồng; Từ 2.000 tỷ đồng; Từ 3.000 tỷ đồng; Từ 4.600 tỷ đồng; Dự án nhóm B có 4 mức: 90 đến 1.600 tỷ đồng; 120 đến 2.000 tỷ đồng; 160 đến 3.000 tỷ đồng; 240 đến 4.600 tỷ đồng; Dự án nhóm C có 4 mức: Dưới 90 tỷ đồng; Dưới 120 tỷ đồng; Dưới 160 tỷ đồng, Dưới 240 tỷ đồng.
Điểm a khoản 4 Điều 17, Luật Đầu tư công hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án: Dự án quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này; dự án nhóm A khác sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý. Và Khoản 5 Điều 17 quy định người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này.
Dự thảo đề xuất, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án sau đây: Dự án nhóm A do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá cao những đề xuất, gợi mở của cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Ảnh: Linh Đan |
Luật Đầu tư công hiện hành hiện không quy định, chỉ quy định việc HĐND quyết định việc giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương trong trường hợp cần thiết. Và chỉ quy định UBND các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương để đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các đơn vị sử dụng các nguồn vốn này và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Dự thảo đề xuất Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 6 Điều này, báo cáo HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất; Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại điểm a khoản 4, khoản 6, khoản 8 Điều này, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại Kỳ họp gần nhất.
Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền và trách nhiệm: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý.
Khoản 2 Điều 52, Luật Đầu tư công quy định, trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Dự thảo đề xuất đối với vốn ngân sách trung ương, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C không quá 1 năm, riêng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 2 năm; đối với vốn ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND các cấp quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp HĐND gần nhất.
Khoản 2 Điều 68, Luật Đầu tư công quy định, trường hợp bất khả kháng, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau.
Dự thảo đề xuất, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau.
Khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công hiện hành quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó.
Về vấn đề này, Dự thảo đề xuất, trường hợp các dự án thực hiện qua hai kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp quy định tại điểm a, d khoản 2 của Điều này thực hiện vượt quá mức 20%, cấp có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ngân sách Trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép phê duyệt nhưng không vượt quá mức 50% tương ứng với quy định tại điểm a, d khoản 2 của Điều này.
Đại diện tỉnh Quảng Nam đánh giá rất cao Dự thảo, đồng thời cho rằng, từ những vấn đề mà dự thảo đề xuất cho thấy rõ những khó khăn trong thực tế. Vị này hoan nghênh với đề xuất phân cấp, phân quyền rất mạnh cho địa phương.
Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các đề xuất của Dự thảo đặt ra là những đột phá và giải quyết cơ bản những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.