Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiến kế tạo bứt phá, tiên phong trong hành động

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ngày 4/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và sẽ có phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Luôn hướng tới mục tiêu tạo đột phá trong cải cách thể chế, tạo động lực phát triển

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế, xã hội. Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Nhật Bắc)

Trước tác động nghiêm trọng của 2 năm đại dịch Covid-19, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các quyết sách đó.

Nhờ vậy, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua.

Đồng thời, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả kinh tế - xã hội, qua đó góp phần đáng kể tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường; kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cao tinh thần chủ động nghiên cứu kết hợp với học hỏi kinh nghiệm trong nước, quốc tế để đổi mới cách nghĩ, cách làm khi tham mưu, luôn hướng tới mục tiêu tạo đột phá trong cải cách thể chế, tạo động lực phát triển, chuyển mạnh tư duy quản lý sang tập trung xây dựng định hướng phát triển quốc gia ở tầm vĩ mô; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tiếp tục đề xuất những điều chỉnh mang tính linh hoạt tạo đột phá trong các dự án Luật như Luật đấu thầu sửa đổi, Luật Hợp tác xã sửa đổi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Nhật Bắc)

Là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thực hiện có trách nhiệm và nghiêm túc đánh giá, xem xét tính khả thi của các chương trình, dự án trọng điểm, tạo cú hích về tăng trưởng nền kinh tế. Năm 2022 nổi bật với việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch 05 vùng; tổ chức hoàn thành thẩm định 21 quy hoạch tỉnh.

Là cơ quan được giao nhiều Đề án quan trọng mang tầm quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tìm kiếm, nghiên cứu các mô hình mới để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những văn kiện quan trọng của đất nước, bảo đảm chất lượng, được đánh giá cao như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; Đề án Định hướng thu hút quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025; Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050.

Nhờ đó, Việt Nam luôn là điểm sáng thu hút các dòng vốn quốc tế dựa trên triết lý của Thủ tướng Chính phủ “Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; Ngoại lực là quan trọng và đột phá”.

Các hiến kế đúng thời điểm tham mưu cho Chính phủ góp phần tăng hiệu quả của nền hành chính công vụ thông qua việc chủ trì và tham gia các Tổ công tác đặc biệt do Chính phủ thành lập về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hay các quyết sách để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác thông qua xây dựng Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với các địa phương Khánh Hòa, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột được Quốc hội thông qua là những dấu ấn nổi bật trong nỗ lực tạo cực tăng trưởng quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành

Để phấn đấu phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua và khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế trong công tác tham mưu, tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Thứ tư, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Thứ năm, tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế. Thúc đẩy các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu giảm phát thải ròng về không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26, lồng ghép các mục tiêu về phát thải khí nhà kính vào các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm.

Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn liền với công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ.

Thứ chín, nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế này trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Thứ mười, tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các nội dung: (i) tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; (ii) kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; (iii) tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; (iv) tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (v) việc thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 2109/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Mười một, chủ động trong xây dựng nội dung và chủ trì tổ chức các cuộc họp Tổ điều phối kinh tế vĩ mô (Tổ 1317) nhằm kịp thời phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới (tăng trưởng, tỷ giá, giá cả, lạm phát, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, các đối tác chủ yếu….) cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước; đánh giá các tác động cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các kịch bản ứng phó, các giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mười hai, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, nhà nước và Chính phủ; phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mười ba, tiếp tục phối hợp với bộ, ngành và địa phương triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược quốc về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050.

Mười bốn, triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm như: (i) Tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (ii) Tham mưu Thủ tướng Chính phủ kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của Hội đồng điều phối vùng Thủ đô và xây dựng kế hoạch hoạt động; (iii) Tham mưu xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; (iv) Nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các Vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (v) Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; (vi) Đề án tăng cường năng lực thống kê quốc gia; (vii) Xây dựng Quy hoạch 05 vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (viii) Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh; (ix) Báo cáo Sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; (x) Báo cáo tình hình 03 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; (xi) Xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Nghị định về Hộ kinh doanh; (xii) Đề án xây dựng thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng (Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ)…

Mười lăm, tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nghiêm túc triển khai Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vận động CBCCVCNLĐ phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Mười sáu, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Tin bài liên quan