Tiếp tục hợp tác toàn diện
Sáng 22/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sụ-phăn Kẹo-mi-xay đã cùng ký vào Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2019-2021.
Thỏa thuận nêu rõ, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2018 giữa hai Bộ, ký vào ngày 28/7/2017 tại TP. Đà Nẵng, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.
Cụ thể, hai bên đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ công tác tham mưu cho hai Đảng, hai Nhà nước trong việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác năm 2018 và thúc đẩy triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác Lào - Việt Nam năm 2016-2020. Ủy ban Hợp tác hai nước cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hai bên thúc đẩy, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và doanh nghiệp Lào tại Việt Nam; đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, được hai bên thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 41.
Cả hai bên cũng đã thường xuyên cử đoàn công tác để trao đổi chuyên môn, chuyên ngành trên lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nhất là công tác lập quy hoạch, thẩm tra, thẩm định, công tác quản lý và lưu trữ, công tác thống kê và quản lý giám sát các dự án sử dụng vốn ODA, công tác thanh tra, công tác dịch vụ một cửa đối với đầu tư tư nhân…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi hội đàm.
Với mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư giữa hai nước ngày càng lớn mạnh, hai bên đã thống nhất nhiều nội dung nhiệm vụ hợp tác giai đoạn 2019-2021.
Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của hai nước; và xúc tiến và quản lý đầu tư của doanh nghiệp tại mỗi nước; đồng thời làm đầu mối phối hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận triển khai theo tiến độ và giải quyết giảm thiểu vướng mắc tồn đọng của các dự án đầu tư đã được cấp phép từng giai đoạn.
Cả hai bên cũng sẽ tiếp tục thường xuyên cử các đoàn công tác để trao đổi, hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực như nghiên cứu quản lý kinh tếvĩ mô, công tác quản lý đầu tư tư nhân và vùng kinh tế đặc biệt, khảo sát thống kê kinh tế và quản lý thống kê các cấp…
Hai bên cũng đã thống nhất tổ chức cuộc giao lưu gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn lĩnh vực lập kế hoạch và đầu tư 2 năm một lần theo hình thức luân phiên. Cuộc gặp năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẽ chủ trì.
Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt - Lào
Trước khi ký kết Thỏa thuận hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Sụ-phăn Kẹo-mi-xay đã có cuộc hội đàm chính thức.
Phát biểu tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mong muốn của ông là cả hai bên cùng nhau trao đổi, kiểm điểm tình hình hợp tác và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai Ủy ban Hợp tác Việt - Lào và Lào - Việt, cũng như giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước đi vào thực chất, hiệu quả hơn, nâng tầm cao mới.
Báo cáo hai vị Bộ trưởng, đồng thời cũng là hai Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào và Lào - Việt, ông Khăm-phởi Kẹo-kin-na-ly, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam cho biết, trong thời gian qua hợp tác đầu tư Việt - Lào đã được thúc đẩy khá tốt. Hiện có 413 dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, với tổng mức đầu tư hơn 4,1 tỷ USD, trong đó đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam là 3,9 tỷ USD. Phần lớn các dự án này được đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, khoáng sản và các ngành dịch vụ khác. Các dự án này đang tiếp tục góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Lào.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khăm-phởi, hiện một số dự án triển khai chưa đạt tiến độ cam kết, còn có tình trạng một số dự án kéo dài, không tuân thủ hợp đồng và pháp luật Lào… Do vậy, hai bên phải cùng nhau quan tâm xử lý, thúc đẩy đầu tư từ Việt Nam sang Lào mạnh mẽ hơn.
Ông Khăm-phởi cũng đã đề cập việc cần thiết phải thúc đẩy các dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, như Dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, các dự án nâng cấp đường từ Phu-thịt-phong tỉnh Luang Pha-bang đi Na-son, dự án sửa chữa và nâng cấp đường quốc lộ 18B tỉnh A-ta-pư…
Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hợp tác phát triển, như Sân bay Nọng Khang, Bệnh viện Hữu nghị Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Trường Năng khiếu Xiêng Khoảng…
Đồng tình với các đề xuất từ phía Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cả hai Ủy ban Hợp tác, hai Bộ cần tập trung hơn nữa tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, cũng như đẩy nhanh tiến bộ các dự án hỗ trợ phát triển, sớm đưa vào hoạt động, nhằm mang lại hiệu quả cao.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy hợp tác, phía Lào cũng phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi đây là yếu tố cốt lõi để Lào thu hút đầu tư, tạo giá trị tăng thêm cho nền kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm…
Theo Bộ trưởng, với kinh nghiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề cập các lĩnh vực mà hai nước nên tập trung thúc đẩy trong thời gian tới là nông nghiệp và du lịch. Đây là hai lĩnh vực mà hiện nay, Lào còn đang có rất nhiều dư địa để phát triển.