Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam, tác động nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế và hệ thống y tế mà còn đối với cả văn hóa, xã hội, sức khỏe, tinh thần người dân, người lao động, tạo ra những thay đổi không chỉ trong ngắn hạn và cả trung và dài hạn”.
Đợt dịch thứ tư bùng phát vào tháng 7/2021 khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Trong quý III, GDP âm 6,17%, 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%; hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế Việt Nam để nước ta không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”. Đặc biệt, có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động.
Chương trình hướng tới mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch được kiểm soát; đồng thời phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt là hướng đến mục tiêu tạo việc làm cho người dân, người lao động và đào tạo, đào tạo lại lao động thích ứng với bối cảnh mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả.
8 giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, về cơ bản dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế.
Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 là yếu tố tiên quyết không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế", Thứ trưởng nói.
Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.
Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.
Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng; tài chính; sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi, dự kiến nguồn đầu tư công trong 2 năm 2022 - 2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của các nước.
Thứ tám, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại hội nghị. |
Đẩy mạnh quá trình hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội nghị, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, quá trình tiêm chủng vắc xin không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới, với các quốc gia phát triển có quá trình tiêm chủng nhanh tạo điều kiện hồi phục kinh tế, trong khi ở các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam, quá trình này diễn ra khá chậm. Khi Covid-19 chưa được kiểm soát cũng sẽ khiến bội chi ngân sách và tài khóa nghiêm trọng hơn.
Do đó, IMF Việt Nam kiến nghị Việt Nam cần có các biện pháp đẩy mạnh hơn chính sách tài khóa. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ tiền mặt năm 2021 và nới lỏng điều kiện để các đối tượng có thể tiếp tục tiếp cận các gói hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 30% thuế thuê đất cho tất cả doanh nghiệp, tất cả ngành nghề trong năm 2021 và 2022.
“Chính phủ và ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo điều chỉnh để lãi suất cho vay trong 2021 và 2022 tối đa là 8% cho tất cả các khoản vay cũ và mới của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, vị đại diện nhấn mạnh.
Phía đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Covid-19 tác động vô cùng nặng nề đến ngành du lịch. Có khoảng 90% các doanh nghiệp và nguồn nhân lực bị ảnh hưởng và phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tê liệt, đặc biệt có 60% doanh nghiệp rất khó để phục hồi.
Do đó, để giải quyết vấn đề phá sản, chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp khó hồi phục, Chính phủ cần có những chương trình giải quyết khoản vay, lương của người lao động đối với các doanh nghiệp này. Đối với những doanh nghiệp vẫn đang duy trì yếu ớt, cần có những chính sách hỗ trợ cho họ như hỗ trợ vốn để tái tạo hoạt động. Đặc biệt là chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại”, đại diện Hiệp hội Du lịch kiến nghị.
“Đến giữa năm 2022, hiệp hội đặt chương trình phục hồi ngành du lịch lên hàng đầu”, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Trên cơ sở các giải pháp chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến các nhiệm vụ phân công thực hiện của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên, Bộ sẽ xác định các nhiệm vụ cụ thể, có tính chất trọng tâm, đột phá và thời gian thực hiện trong giai đoạn tới.