Bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản

Bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản

(ĐTCK-online) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản (LSCB) tháng 3 song thực tế diễn biến lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng không còn neo vào con số này. Các ngân hàng đều cho rằng, cơ chế trần lãi suất đang làm thị trường tiền tệ bị méo mó và cần nhanh chóng thay đổi. ĐTCK giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là bỏ hay không bỏ LSCB trong dự thảo Luật NHNN? Động thái mới nhất của NHNN ngày 26/2, ban hành Thông tư số 07/2010 cho phép các ngân hàng được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận với các khách hàng vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển càng cho thấy vai trò của “mờ nhạt” của LSCB.

 

Vậy LSCB là gì?

Luật NHNN năm 1997 cho ra một định nghĩa “… là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh”. Rõ ràng, với định nghĩa này, có hai vấn đề còn mập mờ và phiến diện:

Mập mờ ở chỗ: “là lãi suất do NHNN công bố”. Vậy, NHNN căn cứ vào cơ sở nào để xây dựng và công bố LSCB? Vì nó không được dùng để giải quyết mối quan hệ vay mượn thực của NHNN với các TCTD nên nó không phản ánh được mối quan hệ giữa cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ; không phản ánh được vai trò phát đi tín hiệu của chính sách tiền tệ, chưa kể đến việc hình thành nên nó còn thiếu cơ sở kinh tế - xã hội (tại sao là 6%, tại sao là 8%…?).

- Phiến diện ở chỗ, nó chỉ “làm cơ sở” cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh của mình, mà không phải nó thể hiện mối quan hệ vay mượn giữa NHNN với TCTD, một quan hệ không thể thiếu được trong thị trường tiền tệ bởi nó mới thực sự cần thiết cho việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Vậy, khi LSCB không phản ánh được mối quan hệ này thì NHTW sử dụng LSCB để làm gì? LSCB trở nên vô nghĩa trong tư cách là công cụ của chính sách tiền tệ và càng không thể dùng LSCB để “làm cơ sở tính toán giới hạn lãi suất nhằm chống cho vay nặng lãi”.

Để điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sử dụng nhiều công cụ, trong đó có công cụ là lãi suất. Lãi suất mà NHNN phát ra nhằm hai mục tiêu:

- Để phát đi tín hiệu NHNN đang thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt?

- Để giải quyết mối quan hệ vay mượn thực sự giữa NHNN với các TCTD.

Để đáp ứng được hai mục tiêu trên, NHNN thường dùng đến các công cụ như: lãi suất tái cấp vốn (TCV), lãi suất tái chiết khấu (TCK), lãi suất liên ngân hàng (LNH) hay lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (TTM). Theo thông lệ, NHTW phải công bố một hay hai trong số các lãi suất này.

Rõ ràng, những lãi suất kể trên là lãi suất được hình thành trên cơ sở mục tiêu của chính sách tiền tệ và trên quan hệ có thực, xảy ra hàng ngày giữa NHNN với TCTD mà các nước hay sử dụng cụm từ chung là lãi suất chủ đạo. Như vậy, nếu so sánh về bản chất thì LSCB đã được quy định trong Luật NHNN năm 1997 khác xa về bản chất của lãi suất TCV, lãi suất TCK, lãi suất LNH, lãi suất TTM…

Vậy thì, lãi suất mà NHNN Việt Nam cần để điều hành chính sách tiền tệ và công bố phải là lãi suất TCV, lãi suất TCK, lãi suất LNH, lãi suất TTM… chứ không phải là LSCB.

 

Vậy thì tại sao Luật NHNN năm 1997 lại sử dụng khái niệm LSCB?

Trở về xuất xứ hình thành nên cụm từ “LSCB” khi làm Luật NHNN năm 1997, có mấy hoàn cảnh và tình thế đặc biệt buộc NHNN phải sử dụng cụm từ LSCB là: khi đó (1995 - 1997), thị trường tiền tệ của Việt Nam mới được hình thành, mọi công cụ đều mới ở giai đoạn bắt đầu, chập chững, không thường xuyên, không ổn định. Cái được gọi là lãi suất TCK, lãi suất TCV còn mới hình thành trên cơ sở “bốc thuốc” (vì thị trường mới trên giấy tờ, thực tế chưa hoạt động nên không có cơ sở để đo quan hệ cung cầu). Thị trường tín phiếu kho bạc thì lúc có lúc không. Hầu như tất cả các khoản cho vay của NHNN, cho vay các TCTD, đều mang tính chất chỉ định: Chính phủ chỉ định được dùng bao nhiêu tiền, cho mục tiêu gì thì NHNN “rót” tiền vào các mục tiêu đó. Vì vậy, thực chất cái gọi là lãi suất TCV lúc đó cũng đều là lãi suất chỉ định. Ngay cả lãi suất huy động và cho vay của TCTD trong thời gian đó cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế quản lý hành chính chuyển dần sang cơ chế theo hướng thị trường. Trong những hoàn cảnh đó, NHNN nghĩ ra một loại lãi suất do NHNN công bố được gọi là LSCB để giúp các TCTD sử dụng làm cơ sở cho việc hình thành lãi suất kinh doanh. Đây cũng là một cách để NHNN “buông” dần việc can thiệp trực tiếp vào việc xác định lãi suất kinh doanh của các TCTD, là bước tiếp theo cho việc chuyển đổi từ cơ chế quản lý hành chính, trực tiếp sang cơ chế thị trường, để các TCTD tự định đoạt lãi suất kinh doanh của mình trên cơ sở LSCB mà NHNN định hướng. LSCB được hình thành trong hoàn cảnh như vậy và với mục đích như vậy.

Thực ra, đến  lúc này, nếu hỏi LSCB là gì theo ý nghĩa kinh tế, thì cũng khó trả lời. Chỉ biết rằng, lúc đó, NHNN thảo luận nhiều và cuối cùng chọn cách hình thành LSCB trên cơ sở lãi suất cho vay tốt nhất của các NHTM trên thị trường (số lượng các NHTM được chọn đã tăng dần…).

 

Vai trò và tác dụng của LSCB trong 13 năm Luật NHNN có hiệu lực (1997 - 2009)

Luật NHNN được Quốc hội thông qua tháng 10/1997 đến tháng 10/1998 có hiệu lực; tháng 8/2000, NHNN hoàn tất việc xây dựng cơ chế và việc công bố LSCB có hiệu lực.

Trong giai đoạn từ năm 2000 -2007, vai trò của LSCB rất mờ nhạt, thậm chí có những thời gian LSCB còn “hơi bị” lạc lõng. Qua đồ thị theo dõi diễn biến của LSCB và lãi suất kinh doanh của các TCTD, nhiều khi hai đồ thị này diễn biến trái chiều nhau như khi lãi suất kinh doanh của các TCTD có xu hướng tăng thì LSCB lại có xu hướng giảm. Vì vậy, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy LSCB không có tác dụng gì tới thị trường, kể cả vai trò định hướng.

Đến năm 2008, do diễn biến của nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều điều bất ổn, lạm phát gia tăng hai con số với tốc độ cao, kinh tế bắt đầu suy giảm, thị trường tiền tệ mất ổn định. Lúc đó, NHNN mới sử dụng LSCB và quy định của Luật Dân sự để ổn định thị trường. Nhờ có thay đổi cơ chế điều hành LSCB mà thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại.

Tuy nhiên, nó có những mặt tiêu cực, bởi dù LSCB có tác dụng trực tiếp với các TCTD, nhưng vẫn không phải là lãi suất thực, việc hình thành LSCB vẫn trên cơ sở thiếu khoa học. Và cũng nên hiểu rằng LSCB và cơ chế trần cho vay không vượt quá 150% LSCB chỉ phù hợp với lúc thị trường không ổn định. Điều nguy hiểm hơn, ở Việt Nam lại quay trở lại cơ chế trần lãi suất, cơ chế hành chính trong điều hành lãi suất mà ta đã mất rất nhiều công sức để điều chỉnh thị trường bỏ dần cơ chế hành chính sang cơ chế lãi suất thị trường. Do đó, còn duy trì cơ chế này, là đã lấy đi tính thị trường của lãi suất trên thị trường tiền tệ, là trái với các chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, trái với chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 đã được Bộ Chính trị và Thủ tướng thông qua.

Thực tế, hiện nay với cơ chế trần lãi suất, cho dù LSCB tăng hay giảm  thường xuyên thì cũng là cái áo quá chật và quá cứng cho thị trường, mà thị trường thì yêu cầu có một cơ chế linh hoạt, mềm dẻo, theo quan hệ cung cầu.

Vì vậy, khi LSCB không có ý nghĩa kinh tế, là một lãi suất không có thực, không có tác động mang tính thị trường mà mang nặng tính hành chính thì nên bỏ và thay vào đó là lãi suất thực, lãi suất mà NHNN sử dụng thực sự trong mối quan hệ với các TCTD, để thông qua đó điều tiết thị trường, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện đã tiến sâu theo cơ chế thị trường, thị trường tiền tệ đã phát triển, hệ thống TCTD đã phát triển, các công cụ của thị trường cũng phát triển, hoàn cảnh và tình thế không còn giống thời kỳ năm 1997 nữa. Do vậy, không thể duy trì khái niệm LSCB như năm 1997 đã sử dụng mà nên trả lại vị trí cho lãi suất TCV, lãi suất TCK như thông lệ các nước đang làm. Do vậy, quy định như Điều 15 trong dự thảo Luật là hợp lý, đúng với nguyên lý và nguyên tắc hoạt động của NHNN.