Trạm thu phí số 3 hoàn vốn cho Dự án BOT Quốc lộ 51.
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến thời hạn thu phí Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Km0+900 đến Km73+600, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, các cử tri cho rằng, trong thời gian qua, lưu lượng giao thông của các phương tiện trên Quốc lộ 51 tăng nhanh, số tiền thu phí cao hơn phương án tài chính ban đầu. Bộ GTVT và đơn vị đầu tư dự án BOT Quốc lộ 51 đang phối hợp thống nhất phương án rút ngắn thời gian và kết thúc thu phí trước thời hạn.
Cử tri đề nghị Bộ GTVT cho biết dự án BOT Quốc lộ 51 bao giờ hoàn thành việc thu phí và giao địa phương quản lý.
Bộ GTVT sẽ cung cấp đầy đủ thông tin đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tháng 5/2022 để kịp thời trả lời cho cử tri của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin
Đối với vấn đề này, Bộ GTVT cho biết là vào năm 2009, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (BVEC) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Km0+900 đến Km73+600, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có chiều dài 72,7 km, quy mô 6 làn xe ô tô và 2 làn xe hỗn hợp, tổng mức đầu tư 3.779,8 tỷ đồng, đã hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác sử dụng tháng 4/2013. Thời gian thu phí của Dự án theo hợp đồng BOT dự kiến khoảng 23 năm 8 tháng 27 ngày (kết thúc vào ngày 27/3/2033).
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác đối với Dự án, tổ chức thực hiện kiểm tra, theo dõi, giám sát doanh thu thu phí và công tác tổ chức thu phí theo quy định của pháp luật và hợp đồng Dự án BOT.
Theo đó, năm 2017, trên cơ sở hồ sơ trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã ký phụ lục để điều chỉnh một số nội dung của hợp đồng Dự án, trong đó thời gian thu phí của Dự án đã được điều chỉnh dự kiến khoảng 20 năm 6 tháng 11 ngày (kết thúc vào ngày 12/1/2030), rút ngắn so với hợp đồng Dự án ký kết khoảng hơn 3 năm 2 tháng.
Theo quy định của hợp đồng Dự án, định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Nhà đầu tư phải có báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam các số liệu liên quan đến lưu lượng, doanh thu tại trạm; đồng thời, Tổng cục cũng thường xuyên xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tại hiện trường để đối chiếu với các số liệu nhà đầu tư đã báo cáo trước đó.
Đến nay, số liệu doanh thu thu phí của Dự án cơ bản đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, xác nhận đến hết tháng 1/2022; trong đó năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các trạm thu phí T1, T2 và T3 của Dự án đã phải tạm dừng thu trong khoảng gần 3 tháng (từ ngày 20/7/2021 đến ngày 14/10/2021), việc tạm dừng thu phí để phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến thời gian thu phí của Dự án.
Trong thực tế từ khi triển khai và hoàn thành đưa vào khai thác Dự án đến nay, quy định pháp luật về hình thức đầu tư theo Hợp đồng BOT có nhiều thay đổi qua từng thời kỳ, thêm vào đó một số nội dung chưa có trong quy định hoặc chưa được hướng dẫn nên đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý. Bộ GTVT cho biết là để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân - nhà đầu tư - nhà nước, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, tổ chức thương thảo, đàm phán với Nhà đầu tư để xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau rất nhiều lần thương thảo, đàm phán, đến nay Nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất với phương án tính toán thời gian thu phí tạo lợi nhuận do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất; theo đó, công tác đàm phán vẫn chưa kết thúc để xác định thời hạn thu phí của Dự án.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cam kết sẽ hoàn thành công tác đàm phán và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 30/4/2022. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo, đôn đốc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đàm phán, xác định thời hạn thu phí hoàn vốn của Dự án.