Phối cảnh cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Phối cảnh cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Bộ Giao thông - Vận tải không mặn mà với phương án BOT tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Không khả thi về tài chính, nguy cơ kéo dài thời gian chuẩn bị và vẫn tốn ngân sách hỗ trợ là những lý do khiến Bộ Giao thông - Vận tải không mặn mà với phương án BOT tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Không ghép dự án

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong văn bản xác nhận về nguồn vốn đầu tư và cơ chế tài chính trong nước để thực hiện Dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi UBND tỉnh Lạng Sơn vào đầu tuần trước.

Theo Bộ GTVT, phương án đầu tư bổ sung đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào công trình xây dựng cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn theo hình thức BOT không phải là lối thoát khả dĩ cho cả hai dự án.

Phân tích của Bộ GTVT cho thấy, hiện thời gian thu phí theo Hợp đồng Dự án cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn dự kiến là 18 năm 3 tháng và mức giá dịch vụ khá cao trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo giảm giá dịch vụ các dự án BOT.

Đây là lý do chính khiến Bộ GTVT đưa ra nhận định: việc bổ sung đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng vào tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án vốn rất chật vật trong việc huy động vốn.

Trong khi đó, với phương án tách đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng để đầu tư theo hình thức PPP như một dự án độc lập, theo Bộ GTVT, sẽ mất thêm khoảng 1,5 năm để chỉnh sửa báo cáo nghiên cứu khả thi để có thể đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với phương án này, Nhà nước vẫn phải bố trí ngân sách hỗ trợ để đảm bảo tính khả thi của Dự án.

“Như vậy, việc triển khai Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT ở cả 2 phương án - ghép dự án và triển khai độc lập - đều không khả thi, nhất là trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc bố trí vốn hỗ trợ dự án là không thể thực hiện được”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết.

Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43 km.

Điểm đầu tại Km 1+800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối tại Km 44+749,67 thuộc huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn).

Sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Cần phải nói thêm, vào đầu tháng 8/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét về nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước đối với Dự án cao tốc Hữu Nghị - Lạng Sơn, đồng thời cho phép bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với nhà tài trợ tín dụng là Ngân hàngTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Chưa thay hình thức đầu tư

Vào tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục đầu tư (chủ trương đầu tư) xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 387,9 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng.

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn vay ADB, thẩm định năng lực tài chính và khả năng trả nợ của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trên cơ sở quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án với phương án sử dụng nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng của nhà đầu tư. Đây là phương án đầu tư có tính khả thi cao nhất về tài chính với sự hỗ trợ về nguồn vốn lãi suất thấp của ADB.

Theo cam kết của ADB, nhà tài trợ này sẽ hỗ trợ phần lớn chi phí xây dựng Dự án (347,65 triệu USD) từ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, áp dụng cơ chế cho vay lại; 28,868 triệu USD vốn vay ưu đãi (ADF) sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng do ngân sách cấp phát. Ngân sách nhà nước sẽ cấp phát tiếp khoản kinh phí trị giá 0,521 triệu USD trong 2,295 triệu USD vốn đối ứng cho hạng mục rà phá bom mìn, phần còn lại (1,773 triệu USD) là phí vay lại của khoản vay thương mại lãi suất thấp - OCR do VEC tự thu xếp.

Trước đó, ADB đã tài trợ vốn cho công tác thiết kế kỹ thuật dự án, chấp thuận Báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của ADB đã hoàn thành và được ADB chấp thuận.

“Dự án vẫn đang được Chính phủ, Bộ GTVT nhất quán chủ trương sử dụng vốn vay ADB để đầu tư; các thủ tục đầu tư dự án theo phương thức vay vốn ADB cơ bản hoàn tất, chỉ chờ ý kiến thẩm định phương án tài chính, năng lực tài chính của VEC của Bộ Tài chính để ký hiệp định vay vốn, triển khai đầu tư vào năm 2018”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn vay tín dụng trong nước chủ yếu là vốn vay ngắn hạn và trung hạn. Đồng thời, các ngân hàng trong nước, trong thời gian qua, đã cho các nhà đầu tư vay dài hạn nhiều dự án BOT ngành giao thông - vận tải, nên khả năng cho vay đầu tư tiếp các tuyến cao tốc sẽ không còn nhiều và rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nếu không tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Dự án rất dễ phát sinh nguy cơ tiêu cực, xuất hiện lợi ích nhóm như đã diễn ra tại một số dự án BOT. Nhưng nếu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí không tìm được nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm.

“Vào thời điểm này, việc đặt vấn đề thay đổi hình thức đầu tư sẽ khiến Dự án đứng trước nguy cơ lỡ cơ hội tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp từ ADB và không thể đưa công trình vào khai thác sớm”, một chuyên gia nhận định.

Tin bài liên quan