Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến về Dự án PPP tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo Bộ GTVT, Dự án tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo nằm trên tuyến thuộc khu vực Hành lang phát triển Đông - Tây, kết nối trục dọc quốc gia là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng Mỹ Thủy với cửa khẩu Lao Bảo và Lào; nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng đã được xác định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.
“Việc sớm đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy phát triển thương mại, giao thương quốc tế, phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng cho địa phương và vùng Bắc Trung Bộ”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có điểm đầu tại TP. Đông Hà, điểm cuối tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, chiều dài 70 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu tuyến cao tốc sang khu vực huyện Triệu Phong, chiều dài tuyến còn 59,5 km.
Hiện nay Bộ GTVT đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc quốc gia, trong đó có dự kiến điều chỉnh tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
“Đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ) để nghiên cứu, cập nhật nội dung quy hoạch tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về quy hoạch”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ.
Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được xác định trên cơ sở: sơ bộ khối lượng xây dựng chính (chiều dài tuyến cao tốc, hầm, diện tích xây dựng cầu, số lượng nút giao, các công trình khai thác phục vụ...) và suất vốn đầu tư, suất vốn xây dựng của một số công trình có tính chất tương tự (như cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo…) và so sánh với suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng để tính sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là có cơ sở.
Bộ GTVT đề nghị với trách nhiệm là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát kỹ về hướng tuyến để bảo đảm phù hợp với Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thuận lợi trong thi công và khai thác sử dụng, hạn chế tối đa chiếm dụng đến rừng tự nhiên và rừng đặc dụng.
Do nhiều đoạn tuyến của Dự án đi qua khu vực đồi núi nên UBND tỉnh Quảng Trị cần rà soát, tính toán lựa chọn các giải pháp gia cố để đảm bảo ổn định công trình; tính toán kỹ tần suất, lưu lượng thủy văn để xác định trắc dọc, quy mô, khẩu độ công trình thoát nước bảo đảm phù hợp.
Về nút giao, trong phạm vi tuyến dài 56 km, UBND tỉnh Quảng Trị dự kiến bố trí 4 nút giao liên thông và 1 nút giao bằng tại cuối tuyến. Bộ GTVT cho biết, về cơ bản việc bố trí nút giao liên thông như trên là phù hợp với quy định về khoảng giữa các nút giao. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính của dự án đề nghị đơn vị tư vấn tính toán kỹ nhu cầu vận tải để có giải pháp phân kỳ đầu tư đối với một số nút giao (nếu có) khi nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đề nghị rà soát lựa chọn suất vốn đầu tư các dự án cao tốc có tính chất tương đồng về điều kiện địa hình, địa chất, biện pháp tổ chức thi công; công trình hầm cần lựa chọn các hầm thuộc dự án cao tốc đã được phê duyệt có chiều dài hầm tương ứng để so sánh.
Trước đó, vào tháng 3/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình số 18/TTr-UBND gửi Thủ tướng về việc xin áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ ngân sách tham gia cho Dự án PPP tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Cụ thể, Dự án có chiều dài 56 km, điểm đầu giao với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và điểm cuối tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; đi qua 4 huyện: Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), sẽ được đầu tư luôn theo quy mô 4 làn xe, với chiều rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, quy mô đầu tư như trên là theo đúng quy hoạch tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (CT.19) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư Dự án (chưa gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) là 13.726 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 676 tỷ đồng; chi phí xây dựng 10.643 tỷ đồng; chi phí thiết bị 222 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi khác 1.086 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.099 tỷ đồng.
Tại Tờ trình số 18/TTr-UBND, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên tới 70% tổng mức đầu tư.
Đây chính là cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đối với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, do Dự án đi qua các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong có điều kiện đặc biệt khó khăn và dự báo lưu lượng phương tiện tham gia trong giai đoạn đầu chưa cao, nếu phải áp dụng khoản 2, Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 50% tổng mức đầu tư) sẽ khiến phương án tài chính của Dự án không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
UBND tỉnh Quảng Trị tính toán, trong trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận đề xuất nói trên, vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án sẽ tăng lên tới 9.608 tỷ đồng (chiếm 70%); vốn nhà đầu tư huy động (chủ sở hữu, vốn vay và vốn khác) là 4.581 tỷ đồng (chiếm 30%).
“Phương án này đảm bảo tính khả thi tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn cho Dự án xuống còn 28,7 năm, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị tính toán.