Bộ giải pháp tổng lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP cho thấy quyết tâm cùng sự kiên định của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Chín giải pháp đã được ban hành, giải pháp nào cũng quan trọng và chỉ khi thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả tất cả giải pháp này thì mới có thể thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ.

Chín giải pháp đã được ban hành, giải pháp nào cũng quan trọng và chỉ khi thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả tất cả giải pháp này thì mới có thể thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ.

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã một lần nữa cho thấy quyết tâm cùng sự kiên định của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này càng cần thiết và quan trọng hơn trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,64%, thấp hơn so với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, càng thấp hơn so với các kịch bản tăng trưởng được đưa ra trước đó. Nếu không quyết liệt, việc thực hiện “mục tiêu kép” sẽ bị ảnh hưởng.

Chín giải pháp đã được đưa ra, trong đó bao gồm các giải pháp liên quan đến việc tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất nhập khẩu; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…

Những giải pháp này, trên thực tế, vẫn được thực hiện trong suốt thời gian qua, đặc biệt kể từ khi Covid-19 bùng phát mạnh trên diện rộng. Nhưng có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, cần rốt ráo và quyết liệt hơn khi triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, với giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu mà Chính phủ đưa ra là hết năm nay, phải giải ngân 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Để làm được điều đó, phải tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Ngoài ra, cần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công...

Năm ngoái, chính kết quả giải ngân vốn đầu tư công tích cực đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%. Năm nay, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là bánh xe quan trọng của cỗ xe tam mã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với hai “bánh xe” khác là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Chín giải pháp đã được ban hành, giải pháp nào cũng quan trọng và chỉ khi thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả tất cả giải pháp này thì mới có thể thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ. Nhưng có lẽ, ngay trước mắt, việc tập trung cao độ phòng, chống Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cần được ưu tiên hàng đầu. Ngoài 5K, thì vắc-xin đang là chìa khóa quan trọng.

Điều đáng mừng là Việt Nam đang nỗ lực và quyết tâm đưa vắc-xin về nước sớm nhất, nhiều nhất, thậm chí còn mong muốn hình thành công nghiệp sản xuất vắc-xin tại Việt Nam. Nếu đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay, thì tình hình sẽ sớm ổn định trở lại.

Cùng với đẩy mạnh tiêm vắc-xin, nhiều địa phương trong cả nước cũng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả, song cũng phải thẳng thắn rằng, không ít địa phương đang “thái quá” trong thực hiện các biện pháp kiểm soát Covid-19. Có địa phương chưa có ca nào đã cấm họp chợ, buôn bán, cấm tắm biển, có 1-2 ca đã phong tỏa, cách ly. Như vậy, sẽ ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại tiêm phòng vắc-xin, dù đây là thời điểm quan trọng, không nên bỏ lỡ.

Trong nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ nhấn mạnh rằng, dù tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không nên hoang mang, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh.

Đó là trong phòng chống dịch. Còn trong phát triển kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn trông chờ rất nhiều vào các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ!

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan