Bỏ ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đề xuất không ghi ngành nghề (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện) trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) được Ban soạn thảo Dự thảo Luật DN (sửa đổi) xác định là nội dung có tính bước ngoặt với hoạt động DN. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn không ít ý kiến khác nhau.
Bỏ ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự thảo Luật DN trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tỏ ra lấn cấn với nội dung này.

“Tôi không phải là người bảo thủ, thậm chí ngược lại, nhưng không nên chuyển 180 độ, từ thái cực “không quản được thì cấm” sang thái cực “muốn làm gì cũng được”. Chính việc chuyển thái cực này đã dẫn đến hệ lụy là tại TP.HCM và nhiều đô thị, người dân sống xung quanh các quán cà phê, cửa hàng karaoke phải nghe nhạc miễn phí”, ông Lịch dẫn chứng đầy lo ngại.

Ông Lịch cũng nêu trường hợp ở Mỹ, trong khu vực họ không muốn mở thêm nhà hàng, điều kiện kinh doanh được đưa ra rất cụ thể. Như muốn mở nhà hàng  50 bàn thì cần có bao nhiêu chỗ để xe, nhà hàng có 70 hay 100 bàn thì chỗ để xe bằng kia…

“Tôi không cho rằng, ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN là phiền hà, vì phiền hà hay nhiêu khê là do con người, cụ thể là do bộ máy công chức nhà nước. Dù chúng ta bỏ tất cả yêu cầu về khai báo, đăng ký, giấy phép…, mà  bộ máy công chức không thay đổi cách làm thì sẽ có hàng ngàn lý do gây khó dễ cho DN”, ông Lịch nói.

Tuy nhiên, mục đích của đề xuất này từ Ban soạn thảo Luật DN không đơn thuần chỉ là sự giảm bớt thủ tục. Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nếu quy định này được Quốc hội chấp thuận thì không chỉ giảm được nhiều thủ tục, thời gian mà còn giảm được rủi ro pháp lý cho DN trong quá trình hoạt động.

“DN sẽ được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, chứ không phải chỉ là kinh doanh theo những gì đăng ký. Nhìn vào hoạt động của DN sẽ thấy rủi ro pháp lý lớn khi kinh doanh ngành nghề không có trong đăng ký, cho dù pháp luật không cấm. Thậm chí, nhiều DN xử phạt hành chính, rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thậm chí bị xử lý hình sự bởi tội kinh doanh trái phép”, ông Cung nói và làm rõ thêm khi cho biết, quy định hiện hành không hạn chế số ngành nghề đăng ký kinh doanh cũng như không giới hạn việc bổ sung, thay đổi ngành nghề, nên để tránh lỡ nhịp kinh doanh khi không kịp làm thủ tục bổ sung, nhiều DN ghi tới vài trang ngành nghề kinh doanh…

Đồng tình với việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, song ông Nguyễn Ngọc Toàn, Trường đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ quan điểm, các cơ quan quản lý nhà nước phải quy định cụ thể, công khai, chi tiết ngành nghề, lĩnh vực hoạt động bắt buộc phải có điều kiện hoặc bị cấm kinh doanh.

“Nếu không quy định cụ thể, rõ ràng những ngành nghề nào, lĩnh vực nào thuộc đối tượng kinh doanh có điều kiện hoặc bị cấm kinh doanh sẽ có nhiều doanh nghiệp vô tình vi phạm pháp luật và sẽ bị thiệt hại về tài chính, thời gian, thậm chí nảy sinh kiện tụng giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước”, ông Toàn tiên đoán.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung dự thảo Luật DN sửa đổi như việc bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ, vấn đề giải thể DN, các quy định về tập đoàn kinh tế, về DN nhà nước, DN xã hội…

Ghi nhận các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật DN sửa đổi, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc sửa Luật DN lần này phải tạo được bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, khắc phục được những vướng mắc, rào cản đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành Luật DN năm 2005.

Liên quan đến việc bỏ ghi ngành nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây không phải là buông lỏng quản lý mà chuyển sang hình thức quản lý bằng luật chuyên ngành và quy hoạch. “Ví dụ, khi xi măng cung vượt cầu, pháp luật không cấm DN đầu tư nhà máy xi măng, nhưng phải theo quy hoạch. Hay như DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại khu dân cư, như mở karaoke chẳng hạn, phải đảm bảo các điều kiện về an toàn trong phòng chống cháy nổ, chống tiếng ồn, chống ô nhiễm môi trường, bảo đảm an ninh trật tự…”, ông Dũng phát biểu và nhấn mạnh rằng, để đề xuất không ghi ngành nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký DN thực sự là cuộc cách mạng thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, tư duy quản lý nhà nước phải thay đổi theo hướng quản lý bằng hệ thống luật chuyên ngành, quy hoạch và các điều kiện kinh doanh với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Có như vậy, quyền kinh doanh của DN được đảm bảo trong khi sự phát triển bền vững của nền kinh tế không bị phá vỡ”, ông Dũng nói.

Tin bài liên quan