Trước đó, vào ngày 23/10/2017, Bộ Công thương đã có văn bản xin dừng triển khai Đề án này.
Điểm đặc biệt trong Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia” do Bộ Công Thương xây dựng chính là vấn đề dán tem trên sản phẩm bia, nhằm tăng thu ngân sách và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Theo kế hoạch đó, tem bia sẽ được dán ở tất cả các sản phẩm bia sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được đưa lưu thông trên thị trường. Giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, với tem được in phun trực tiếp là 145,44 đồng.
Số tiền các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra để dán tem cho sản phẩm bia hàng năm dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng.
Ước tính của Bộ Công Thương cũng cho thấy, việc dán tem bia giúp cho ngân sách tăng thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, đồng thời việc dán tem sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí từ việc thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.
Tuy nhiên, câu chuyện dán tem bia đã bị phản đối mạnh mẽ. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam vào cuối tháng 8/2017 cũng đã cho rằng, không cần thiết phải dán thêm 1 cái tem bia trên sản phẩm để quản lý các thông tin cần thiết cũng như truy xuất nguồn gốc.
Năm 2016, sản lượng bia cả nước đạt 3,79 tỷ lít, nộp ngân sách trên 45.000 tỷ đồng.
Hiện năng lực sản xuất của hơn 100 cơ sở sản xuất bia tại Việt Nam là hơn 4 tỷ lít.
Sản phẩm bia hiện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 60% và sẽ tăng lên 65% từ ngày 1/1/2018.
Với việc dán tem bia lên sản phẩm, ước tính gần 4 tỷ lít bia tương đương 12 tỷ sản phẩm cần dán tem hàng năm sẽ khiến gia tăng chi phí và mất thêm nhiều nhân lực, vật lực không cần thiết.