Đồng thời chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa và các văn bản pháp luật có liên quan. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào điều kiện kinh doanh hóa chất, phân loại hóa chất, ghi nhãn hóa chất, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, công bố hợp quy…
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (bán buôn, bán lẻ…) hóa chất, đặc biệt là methanol, cồn công nghiệp, hương liệu và phụ gia thực phẩm.
Chú trọng kiểm tra phát hiện các hành vi sử dụng trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên địa bàn.
Các chi cục cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương, các cấp triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất và nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng hóa chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Tiến hành đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất cồn công nghiệp trên địa bàn.
Riêng Sở Công Thương Hà Nội và TPHCM chủ động phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Quản lý thị trường thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương với UBND Hà Nội và UBND TPHCM về thực thi pháp luật quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Hóa chất tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu.
Trong quá trình triển khai, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý cồn công nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu; nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm phân biệt giữa cồn công nghiệp với cồn thực phẩm phục vụ công tác quản lý sử dụng cồn công nghiệp đúng mục đích.
Cục Quản lý thị trường cần chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, TPHCM tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp trên địa bàn; chú trọng kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động đối với các hộ kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp tại các khu vực trọng điểm như chợ Kim Biên (TPHCM), khu vực Hàng Hòm, Hàng Buồm (Hà Nội).
Trước đó, vào ngày 15/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đây được coi là những hành động quyết liệt của Bộ Công Thương trước tình trạng các hộ kinh doanh vì lợi nhuận pha chế methanol thành rượu bán cho người tiêu dùng (vì mục đích lợi nhuận), hoặc người tiêu dùng tự ý mua cồn về để pha thêm nước thành rượu sử dụng để rồi sau đó dẫn đến những vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.