Bộ Công thuong đề xuất siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ năm 2025.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018/NĐ-CP về hoạt động thương mại biên giới.
Cơ quan này cho rằng, Nghị định sửa đổi nhằm giải quyết các khó khăn, tồn tại từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân, không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua.
Thời gian qua, bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới diễn ra khá sôi động.
Theo quy định của Trung Quốc, hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân biên giới sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định, ví dụ như được miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu giá trị hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày.
Đặc biệt, nhiều nông sản của Việt Nam mặc dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc (như nhiều loại trái cây, thịt lợn) nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân.
Vì có các ưu đãi này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn, cụ thể là lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu các lô hàng lớn.
Do đó, Bộ đề xuất, từ 1/1/2025, hàng xuất theo phương thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế.
Hàng xuất khẩu tiểu ngạch, phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.
Hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Cũng kể từ thời điểm này, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Kể từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Kể đầu năm 2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thỏa thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.
Kể từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Với lộ trình như vậy, Bộ Công thương cho rằng, không làm thay đổi đột ngột mà từng bước triển khai theo lộ trình đủ dài để hoạt động xuất khẩu dần thích nghi.
Từ đó, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP như tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là nông sản) qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hình thức thương mại chính ngạch.
Thực tế, các ưu đãi của Trung Quốc đối với hình thức “trao đổi cư dân” kết hợp với chính sách có tính tương thích cao của Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành hình thức “xuất khẩu tiểu ngạch”.
Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như chanh leo, na, roi) hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc (như không có mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp …).
Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy đã được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như sản phẩm sắn, quả vải) vẫn chủ động chuyển sang hình thức tiểu ngạch để xuất khẩu vào Trung Quốc.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại khu vực biên giới; siết chặt kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản nhập khẩu thông qua các thủ tục mang tính kỹ thuật như truy xuất nguồn gốc, yêu cầu đăng ký vùng nuôi trồng và doanh nghiệp xuất khẩu đối với nông sản, thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu.
Do đó, phương thức xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, không còn có nhiều cơ hội cho hàng nông thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là những hàng nông thủy sản chưa đăng ký truy suất nguồn gốc.
Quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định của Bộ Công thương:
Đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân. Không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn.Hàng hóa xuất khẩu, bao gồm cả nông sản, xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào, qua bất kỳ cửa khẩu nào, đều phải đáp ứng được các điều kiện như xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (xuất khẩu chính ngạch).