Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW
Bộ Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cử người tham gia Tổ công tác nhằm xét xét, thống nhất dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời thuộc 2.000 MW có ngày vận hành thương mại đáp ứng được yêu cầu được hưởng giá mua điện theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, phù hợp với Nghị quyết số 115/NQ-CP (ngày 31/8/2018).
Theo lý giải của Bộ Công thương, Bộ này đã nhận được đề nghị của EVN về phê duyệt danh sách các dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời thuộc 2.000 MW có ngày vận hành thương mại đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành, các dự án trải qua nhiều giai đoạn, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như như đầu tư, điện lực, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy….
Do Bộ Công thương chỉ được giao quản lý Nhà nước về điện lực nên các lĩnh vực quản lý nhà nước khác như đầu tư, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy… không thuộc thẩm quyền của Bộ này.
Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại điểm a, khoản 1, Điều 10 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và để có đủ cơ sở xem xét, thống nhất dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời thuộc 2.000 MW có ngày vận hành thương mại đáp ứng yêu cầu được hưởng giá mua điện theo Quyết định 13/20202/QĐ-TTg, phù hợp với Nghị quyết số 115/NQ-CP, Bộ Công thương sẽ thành lập Tổ công tác.
Bộ này cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh thuận và EVN cứ cán bộ tham gia. Trong đó, riêng phía tỉnh Ninh Thuận được yêu cầu thành phần ngoài đại diện UBND tỉnh còn có các cán bộ có thẩm quyền, phụ trách trong công tác quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực đầu tư, công thương, xây dựng, môi trường – đất đai, phòng cháy chữa cháy.
Liên quan đến việc khai thác phần công suất các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây cũng đã đề nghị Bộ Công thương có một số hướng dẫn cụ thể.
Đầu tiên là sớm phê duyệt danh sách các dự án/phần dự án có kèm theo mức công suất MW của các nhà máy điện mặt trời nằm trong 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện theo khoản 3, Điều 5, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Điều này là để EVN có cơ sở vận hành và thanh quyết toán tiền điện cho phần công suất trong 2.000 MW của Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam 450 MW.
Đề nghị thứ hai của EVN là hướng dẫn cơ chế thanh toán cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW của Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam 450 MW đã vận hành đến ngày 1/9/2022.
Đề nghị thứ ba cũng liên quan đến phần công suất nằm ngoài 2.000 MW của Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam 450 MW hiện thuộc đối tượng các dự án/phần dự án chuyển tiếp đang được Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, EVN kiến nghị cho phép nhà máy được tham gia thị trường điện phần công suất trên theo kiến nghị của EVN tại Văn bản 5106/EVN-TTĐ ngày 12/9/2022.
Trước đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận xét rằng, việc dừng khai thác dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời trên địa bàn Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan.
Tuy vậy, EVN cho hay, hợp đồng mua bán điện (PPA) của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW được ký ngày 25/5/2020 theo PPA mẫu ban hành tại Thông tư 16/2019/TT-BCT và Văn bản 2794/BCT-ĐL ngày 20/4/2022.
Căn cứ PPA và chỉ đạo của Bộ Công thương, trước khi Nhà máy điện Trung Nam - Thuận Nam 450 MW được công nhận vận hành thương mại vào ngày 1/10/2020, ngày 31/7/2020, EVN đã có Văn bản 5192/EVN-TTĐ báo cáo Bộ Công thương nguyên tắc tính toán chuyển đổi từ công suất MWp sang MWac với các dự án mà các tài liệu pháp lý xác nhận ở MWp.
Theo EVN, do quy định tổng công suất lũy kế tại tỉnh Ninh Thuận là 2.000 MWac, nên nếu Bộ Công thương không hướng dẫn nguyên tắc chuyển đổi từ MWp sang MWac, thì không thể xác định được danh sách và công suất của dự án/phần dự án nằm trong 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Dữ liệu của Báo Đầu tư cho hay, theo thống kê của Bộ Công thương, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 33 Dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất là 2.535 MW.
Còn theo Báo cáo số 4071/UBND-KTTH (ngày 10/11/2020) của tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh đã có 2.617 MW điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Ninh Thuận cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án với tổng công suất 2.543 MW, tổng vốn đăng ký 66.845 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất đưa vào vận hành là 2.463,51 MW.
Thống kê của EVN (nơi điều hành vận hành và trả tiền mua điện, nên có lẽ là chính xác nhất), tới hết ngày 31/12/2020, đã có 32 dự án hoặc phần dự án đã đi vào vận hành thương mại tại Ninh Thuận, với tổng công suất 2.216 MW.