Bộ Công thương: Đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công thương vừa có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các phương án nhằm cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân bám biển.
Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Bộ Công thương vừa có văn bản số 3822/BCT- TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị và các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế của các nước sau dịch bệnh Covid-19 nên giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao.

Trong nước, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu để hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước.

Dù vậy, do biên độ biến động giá xăng dầu thế giới quá lớn nên các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước chỉ hạn chế được mức tăng của giá xăng dầu trong nước (từ 11/1/2022 đến nay tăng từ 26,73-67,96%) so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới (tăng từ 44,3-91,47%) nhưng vẫn đang ở mức khá cao, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát lạm phát và sản xuất, đời sống của người dân.

Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Văn bản số 4186/VPCP-NN ngày 5/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu.Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Công thương, thực tế, khi giá xăng dầu tăng cao một số đối tượng người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản đã bị tác động lớn dẫn đến phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hàng ngày.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4044/BNN TCTS ngày 24/6/2022 về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Cụ thể, nguồn hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách Nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân khôi phục trở lại hoạt động vươn khơi, bám biển (thay vì hỗ trợ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá đang ngừng hoạt động như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không khuyến khích việc khôi phục hoạt động của các tàu đánh bắt thủy hải sản).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống của người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách đến hết năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân tăng 2,44% so với cùng kỳ.

Trước chi phí xăng dầu tăng cao như vậy, ngư dân ra khơi gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động đánh bắt hiệu quả.

Cả nước hiện có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S (nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản) đã tăng tới 65%. Chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, chi phí nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản. Do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng 10-15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng 35-48%, nhưng giá bán hải sản tăng không đáng kể.

Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Trên cả nước, số tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%.

Đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tin bài liên quan