Bộ Công Thương chuyển cơ quan điều tra hồ sơ vụ Khaisilk

Bộ Công Thương chuyển cơ quan điều tra hồ sơ vụ Khaisilk

Đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của các bên liên quan sẽ làm rõ những khuất tất trong vụ Khaisilk.

Chỉ đạo này được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại cuộc họp chiều 30/10 với các đơn vị liên quan vụ việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác "Made in Vietnam".

"Hành vi của Khaisilk đã vi phạm pháp luật, làm tổn hại giá trị thương hiệu Việt, lừa dối người tiêu dùng Việt Nam", Bộ trưởng Tuấn Anh nói tại cuộc họp.

Ông yêu cầu Cục Quản lý thị trường có văn bản chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường bàn giao đầy đủ hồ sơ việc kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sang cơ quan điều tra về kinh tế (Công an Hà Nội), để xem xét xử lý hình sự, cũng như làm rõ mối quan hệ giữa cửa hàng 113 Hàng Gai và Tập đoàn Khải Đức.

Bộ Công Thương cũng quyết định lập đoàn kiểm tra chuyên ngành với sự tham gia của các cơ quan liên quan, gồm Thuế, Bộ Khoa học công nghệ, cơ quan điều tra công an, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cùng các cơ quan trực thuộc Bộ... kiểm tra vụ việc liên quan tới Khaisilk. Đoàn kiểm tra sẽ do Cục Quản lý thị trường làm đầu mối làm việc với Tập đoàn Khaisilk.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương đã phê bình Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) thiếu phối hợp với các cơ quan liên quan, chưa kịp thời thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương liên quan tới điều tra, làm rõ sai phạm của Khaisilk bán hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt.

Ông cũng phê bình "báo cáo của Cục Quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, báo cáo sơ sài và không làm đúng trọng trách của mình trong vụ việc này".

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - Hà Nội, một trong số cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống thương hiệu Khaisilk, tại thời điểm kiểm tra cửa hàng này ngày 27/10 cơ quan chức năng phát hiện 60 chiếc khăn lụa nhãn mác Trung Quốc nhưng được thay bằng nhãn Khaisilk - Made in Vietnam. Cửa hàng đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc.

Lý do được bà Nguyễn Thị Tha Nga - chủ hộ kinh doanh Khaisilk 113 Hàng Gai giải thích, do sơ suất trong quản lý trước nhu cầu hàng tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ mác gốc Trung Quốc và gắn mác "Khaisilk Made in Vietnam" để bán.

Mỗi chiếc khăn lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam được bán với giá 644.000 đồng, tổng giá trị hàng vi phạm hơn 36 triệu đồng.

Khủng hoảng của Khaisilk bắt đầu cách đây một tuần khi trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.

Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, Công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'Made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có sự dung túng, tiếp tay của cơ quan quản lý thị trường trên địa bàn hay không, khi các cơ sở thuộc hệ thống Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết, xử lý.

Tin bài liên quan