Trong năm 2014, Tổng công ty Giấy Việt Nam chỉ cổ phần hóa được 1/4 đơn vị

Trong năm 2014, Tổng công ty Giấy Việt Nam chỉ cổ phần hóa được 1/4 đơn vị

Bộ Công thương chưa quyết liệt trong chỉ đạo cổ phần hóa

(ĐTCK) Theo Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thuộc Bộ Công thương giai đoạn 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công thương triển khai thực hiện cổ phần hóa 9 đơn vị, bao gồm 1 tập đoàn, 4 tổng công ty và 4 công ty trực thuộc Bộ.

Tuy nhiên, so với kế hoạch tại Đề án cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015, tiến độ cổ phần hóa các DN trực thuộc bộ này vẫn khá ì ạch và có nguy cơ không đạt chỉ tiêu đặt ra. 

Theo kết quả báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công thương), tính đến hết năm 2014, Bộ Công thương đã hoàn thành cổ phần hóa 1 tập đoàn, 1 tổng công ty, trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định phương án cổ phần hóa của 3 tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam; các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ hoàn thành cổ phần hóa 13 doanh nghiệp thành viên.

Cụ thể, tính đến nay, mới hoàn thành cơ bản công tác cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và tiến hành xong việc IPO lần đầu ra công chúng và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Đối với tổng công ty trực thuộc Bộ, mới hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, còn 3 tổng công ty trực thuộc Bộ hiện nay mới đang triển khai cổ phần hóa, bao gồm Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp và báo cáo Thủ tướng bổ sung kế hoạch thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam. Đối với 3 tổng công ty này, theo Vụ Tổ chức cán bộ, dự kiến sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa trong năm 2015. Mặc dù vậy, để hoàn thành được tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch này thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa các đơn vị cần rốt ráo đẩy nhanh việc kiểm kê, xác định giá trị doanh nghiệp cũng như xử lý các tồn tại về mặt tài chính, các vướng mắc nảy sinh trong quá trình cổ phần hóa. 

Đối với 4 công ty TNHH một thành viên trực thuộc Bộ, bao gồm Công ty TNHH một thành viên Điện máy và Đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm và Đầu tư Fococev, Công ty TNHH một thành viên Xây lắp và vật liệu xây dựng V, Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC, hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn phát sinh do vướng mắc liên quan đến vấn đề tài chính, tranh chấp tài sản, thanh tra xử lý tồn tại về đầu tư dự án nên tiến độ chậm, kéo dài. Như vậy, so với kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa 2014 - 2015 thì tiến độ cổ phần hóa các đơn vị này có nguy cơ không đạt tiến độ đề ra.

Theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ, một trong những lý do khiến công tác cổ phần hóa tại những đơn vị này còn chậm là do việc triển khai thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp trong nội tại các đơn vị chưa thực sự quyết liệt.

Lãnh đạo Vụ cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc đôn đốc, chỉ đạo từ phía các cơ quan của Bộ trong công tác tái cơ cấu nói chung cũng như cổ phần hóa và thoái vốn nói riêng vẫn chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của chính bản thân người đứng đầu doanh nghiệp vẫn chưa cao. Đây cũng là vấn đề mà Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng thẳng thắn cho rằng, cần có sự thay đổi triệt để thì mới có thể hoàn thành công tác cổ phần hóa theo đúng kế hoạch.

Theo Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2015 là năm cuối cùng Bộ Công thương phải hoàn thành cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc, bao gồm 3 tổng công ty trực thuộc Bộ, 4 công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ như đã nêu trên.

Bên cạnh đó, tổng hợp các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2015, bộ này cũng sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 27 doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn, tổng công ty 91 thuộc Bộ quản lý bao gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam: 5 đơn vị; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam: 8 đơn vị; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam:  6 đơn vị; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 3 đơn vị; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam: 1 đơn vị; Tổng công ty Giấy Việt Nam: 4 đơn vị.

Tính đến hết năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty mới hoàn thành cổ phần hóa 13 đơn vị, đạt 48% so với kế hoạch. Trong đó, mới có Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã hoàn thành 5/5 đơn vị cổ phần hóa cùng Công ty mẹ-Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Các tập đoàn và tổng công ty còn lại hầu hết mới chỉ thực hiện xong khoảng 1/3 so với kế hoạch như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới hoàn thành IPO, bán cổ phần ra công chúng đối với 1/3 đơn vị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới thực hiện thí điểm cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 theo kế hoạch đã được Thủ tướng đồng ý, bổ sung trong năm 2015 để triển khai thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, Tổng công ty Giấy Việt Nam 1/4 đơn vị, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 3/6 đơn vị… 

Tin bài liên quan