Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của Công ty Kiểm toán DFK. Ảnh: DFK Việt Nam.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 10 bị can là các cựu lãnh đạo, cán bộ tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và nhiều cá nhân liên quan.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh (do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.
Đến năm 2020, sau quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kết luận dự án đã để xảy ra nhiều vi phạm, từ đó kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án này.
Với mong muốn thâu tóm dự án, Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang đã móc nối, câu kết với lãnh đạo, cán bộ tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng, xin chuyển nhượng và gia hạn dự án, không bị thu hồi nữa.
Để được xem xét gia hạn dự án, theo yêu cầu của Tổ công tác do Lê Quốc Khanh, Phó cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ, Nguyễn Cao Trí phải chứng minh năng lực tài chính, có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và số dư tiền mặt khoảng trên 1.800 tỷ đồng.
Khi hợp thức hồ sơ, Trí đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam (Công ty Kiểm toán DFK), do ông Nguyễn Lương Nhân làm Giám đốc, đại diện pháp luật.
Tháng 3/2021, ông Phạm Đức Thắng, Phó giám đốc và Trần Mai Hải Đăng, Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán DFK đã ký ban hành Báo cáo kiểm toán độc lập về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trí đã huy động nguồn tiền mặt của Công ty Văn Lang và Công ty Grand Riverside khoảng 600 tỷ đồng, chuyển sang Công ty Sài Gòn Đại Ninh và vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 1.400 tỷ đồng để Saccombank xác nhận số dư 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra xác định, các cá nhân tại Công ty Kiểm toán DFK chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng từ bản phô tô, đóng dấu treo, phiếu thu, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần; không kiểm tra, đối chiếu tài liệu, chứng từ gốc, không có chứng từ chứng minh như sao kê, sổ quỹ tiền mặt…
Cơ quan điều tra đánh giá, việc ký ban hành báo cáo kiểm toán không đủ bằng chứng, không làm việc với Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc, đại diện pháp luật, không đưa ra ý kiến loại trừ là vi phạm các quy định của chuẩn mực kiểm toán.
Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm vi phạm trong quá thực hiện kiểm toán của Công ty Kiểm toán DFK và các cá nhân liên quan.
Thêm vào đó, cơ quan này cũng đề nghị thu hồi số tiền 50 triệu đồng phí dịch vụ kiểm toán hưởng lợi không chính đáng để sung công quỹ Nhà nước, phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án.