Bỏ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách
Đó là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách là loại hình bảo hiểm được thực hiện theo Luật Hàng không và thông lệ quốc tế.
Loại hình thứ 2 là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có rủi ro không ảnh hưởng lớn đến lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Đây là trách nhiệm tổ chức cá nhân đối với hoạt động tư vấn, các bên có thể tự thỏa thuận mức trách nhiệm tùy theo năng lực tài chính. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật.
Thẩm tra Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm (Điều 9).
Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc: (1) Bắt buộc phải mua bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Chính phủ ban hành; (2) Bắt buộc hoặc phải mua bảo hiểm nhưng không có quy định, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Chính phủ ban hành.
Quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật áp dụng với bảo hiểm bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội (do Quốc hội quy định), Chính phủ ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí.
Điều 9: Bảo hiểm bắt buộc (Dự thảo Luật)
1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều này, nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội do Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu.
2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
d) Các loại bảo hiểm bắt buộc khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này do Quốc hội quy định.
”Đề nghị Cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm. Ngoài ra, đề nghị làm rõ thẩm quyền trong việc giao “Chính phủ quy định” tại khoản 1 và “Quốc hội quy định” tại điểm d khoản 2 Điều 9”, ông Thanh đề xuất.
Còn theo nguồn tin của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bảo hiểm bắt buộc là do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Đồng thời, bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong 5 loại bảo hiểm bắt buộc quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, chỉ có 2 loại hình bảo hiểm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy, nổ là loại hình bảo hiểm có rủi ro ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và an toàn xã hội, vì vậy Chính phủ đã có quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách là loại hình bảo hiểm được thực hiện theo Luật Hàng không và thông lệ quốc tế, vì vậy, Chính phủ không quy định điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm đối với loại hình bảo hiểm này.
Còn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có rủi ro không ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và an toàn xã hội, đây là trách nhiệm tổ chức cá nhân đối với hoạt động tư vấn các bên có thể tự thỏa thuận mức trách nhiệm tùy theo năng lực tài chính, nên Chính phủ không quy định điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm đối với loại hình bảo hiểm này
Vì vậy dự thảo Luật đề xuất bỏ 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc này.
Ngoài ra hiện nay, theo quy định tại Điều 9, Luật Xây dựng quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với các công trình xây dựng có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Chính phủ đã có quy định tại Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm đối với loại hình bảo hiểm này. Vì vậy, dự thảo Luật đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đồng thời, bổ sung quy định các loại hình bảo hiểm bắt buộc khác do Quốc hội quy định để phù hợp với quy định về bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
Về một số loại hình bảo hiểm các luật khác có quy định phải mua, theo thống kê, hiện nay có 16 luật quy định về việc phải mua bảo hiểm, đây không phải là bảo hiểm bắt buộc, không có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn xã hội, cộng đồng nên Chính phủ không quy định điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm đối với loại hình bảo hiểm này. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận điều kiện, mức phí, trách nhiệm bảo hiểm theo rủi ro và năng lực tài chính. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có các sản phẩm bảo hiểm này.
16 văn bản quy phạm pháp luật có quy định về bảo hiểm bắt buộc (do ngành nghề quy định):
1- Luật Giao thông đường thủy nội địa: Người kinh doanh vận tải hàng hóa dễ cháy, dễ nổ trên đường thủy nội địa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải đối với người thứ ba; người kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải đối với hành khách.
2- Luật Đường sắt: Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính trong giá vé hành khách.
3- Bộ Luật Hàng hải: Chủ tàu có trách nhiệm mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định cho thuyền viên trong quá trình làm việc trên tàu biển.
4- Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh...
5- Luật Luật sư: Tổ chức hành nghề luật sư phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm...
6- Luật Công chứng: Tổ chức hành nghề công chứng viên có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.
7- Luật Đấu giá: Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.
8- Luật Giá số: Doanh nghiệp thẩm định giá phải Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.
9- Luật Kiểm toán độc lập: Doanh nghiệp kiểm toán phải ‘Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính’.
10- Luật Kế toán số 88/2015/QH13: Kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
11- Luật Kiến trúc: Tổ chức hành nghề kiến trúc có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
12- Luật Năng lượng nguyên tử: Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải mua bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự; trường hợp công việc bức xạ có tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
13. Luật Dầu khí: Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với các phương tiện, công trình phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm môi trường và các bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ trong công nghiệp dầu khí quốc tế.
14. Nghị định số 102/2011/NĐ-CP quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.
15. Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (từ Điều 19 đến Điều 22 – Chương 4) quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc cho công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng
16. Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 13/2012/TT-BTC ngày 07/02/2012 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm bắt buộc bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm TNDS và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ.