Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp tên miền giữa Công ty BMW (trụ sở ở Đức) và ông Nguyễn Mạnh T. (SN 1990, ở quận 2, TP.HCM).
Theo đơn khởi kiện, BMW cho biết, qua tra cứu, Công ty thấy ông Nguyễn Mạnh T. đã đăng ký và đồng thời sử dụng 4 tên miền chứa nhãn hiệu bmwmotorrad với đuôi “.com”, “.vn”; “.com.vn”. Các tên miền này đều đăng ký vào ngày 31/3/2014.
BMW cho rằng, Công ty được thành lập năm 1916, đang sở hữu hàng loạt tên miền chứa nhãn hiệu BMW và đang duy trì các website này để kinh doanh trên toàn cầu như bmw.com, bmwmotorrad.com, bmw-motorrad.com và bmw-motorcycles.vn. Tại Việt Nam, công ty sở hữu trang web chính thức với tên miền .vn.
Công ty cho biết đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam từ năm 1950,1980,1995,1984 và 1997. Theo BMW: “dễ dàng nhận thấy các tên miền của bị đơn đăng ký tương tự và gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu BMW”.
Mặt khác, ông T. còn sử dụng các tên miền trên để quảng cáo, kinh doanh, cung cấp các dịch vụ sửa chữa ô tô, bao gồm cả dịch vụ dành cho ô tô mang nhãn hiệu BMW. Công ty khẳng định chưa cho phép bị đơn sử dụng nhãn hiệu trên dưới bất kỳ hình thức nào.
Vào ngày 13/4/206, Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ có kết luận, xác định hành vi của ông T. có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại khoản 1, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ.
Với căn cứ trên, BMW khởi kiện ra tòa buộc ông T. phải thu hồi 4 tên miền trên, buộc bồi thường thiệt hại số tiền 500 triệu đồng, thanh toán số tiền thuê luật sư là 200 triệu đồng và công khai xin lỗi trên một số báo điện tử.
Trước cáo buộc trên, ông T. khẳng định ông tự nghĩ ra các tên miền trên và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng nên không đồng ý thu hồi và bồi thường.
Năm 2018, cấp sơ thẩm đã tuyên buộc thu hồi các tên miền trên, ưu tiên cho Công ty BMW đăng ký sử dụng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Ông T. cũng phải xin lỗi và thanh toán 200 triệu đồng.
Không đồng ý với bản án trên, ông T. kháng cáo. Công ty BMW cũng kháng án yêu cầu tòa phúc thẩm buộc bị đơn phải bồi thường số tiền 500 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện công ty đã thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán các chi phí thuê đại diện pháp lý xử lý tại Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, chi phí lập vi bằng, hợp thức hóa lãnh sự hồ sơ với số tiền 70,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, do số tiền này đều phát sinh trước ngày công ty khởi kiện. Tại cấp sơ thẩm, công ty không yêu cầu giải quyết nên tòa phúc thẩm không xem xét.
Yêu cầu của ông T. cũng không được chấp nhận vì hành vi trên là gây nhầm lẫn với nhãn hiệu BMW đã được bảo hộ.