BMP, vì sao đến nỗi?

BMP, vì sao đến nỗi?

(ĐTCK) CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) đang gặp “vận hạn” lớn mà trước đây chưa từng có khi bị truy thu và xử phạt chậm nộp thuế lên đến 117 tỷ đồng.

Rủi ro chính sách

Trước sự quan tâm của các nhà đầu tư về việc CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) bị xử phạt và truy thu thuế, lãnh đạo Công ty đã quyết định tổ chức sớm cuộc gặp đại diện các nhà đầu tư định kỳ hàng quý vào ngày 21/10/2013, mà không đợi đến khi có báo cáo tài chính quý như thường lệ.

Tại buổi gặp mặt này, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quan hệ cổ đông, nói: “Năm 2013 đúng là năm hạn đối với Nhựa Bình Minh; chưa hết chuyện này đã sang chuyện khác”.

Ngày 11/10/2013, Cục Thuế TP. HCM ra quyết định truy thu thuế với số tiền 75 tỷ đồng, đồng thời phạt hơn 34,6 tỷ đồng do chậm nộp tiền thuế và phạt gần 7,5 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu thuế. Tổng số tiền cộng lại là hơn 117 tỷ đồng. Quyết định này được ban hành sau cuộc thanh tra thuế niên độ 2009 - 2012 tại Nhựa Bình Minh và được căn cứ vào kiến nghị tại biên bản thanh tra ngày 9/10/2013 của Đoàn Thanh tra Cục Thuế TP. HCM.

Giải thích với đại diện các nhà đầu tư, bà Yến nhấn mạnh những thông tin đã được Nhựa Bình Minh công bố trước đó: “Đây là vấn đề rủi ro chính sách, do cách xác định thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và niêm yết lần đầu trong thời gian từ 2004 - 2008. Nhựa Bình Minh không gian lận và cũng không vi phạm các quy định về thuế”.

BMP, vì sao đến nỗi? ảnh 1

BMP gọi "tai nạn" đang gặp là rủi ro chính sách

Tháng 2/2004, Nhựa Bình Minh chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Theo chế độ ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp cổ phần hoá lúc đó, Nhựa Bình Minh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 100% trong 2 năm 2004 và 2005, đồng thời được giảm 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo. Tháng 7/2007, công ty lên niêm yết ở Sở GDCK TP. HCM. Thời gian này, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lên sàn, Nhà nước có chính sách ưu đãi, giảm 50% thuế thu nhập trong vòng 2 năm cho các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lần đầu. Như vậy, nếu hưởng cả 2 chính sách ưu đãi này cùng lúc thì năm 2006 và 2007, Nhựa Bình Minh tiếp tục được giảm 100% tiền thuế phải nộp và năm 2008 được giảm 50%.

Miễn thuế năm 2004 và 2005 thì đã rõ ràng, nên không cần bàn đến. Nhưng 3 năm tiếp theo thì doanh nghiệp có được hưởng cả 2 ưu đãi hay không, nếu được thì hưởng xong ưu đãi thuế từ cổ phần hoá rồi đến ưu đãi thuế từ việc niêm yết, hay có thể gộp chung? Băn khoăn về vấn đề này, Nhựa Bình Minh đã gửi công văn hỏi Tổng Cục Thuế và câu trả lời là được hưởng cả hai loại ưu đãi và được gộp chung với nhau, nhưng phải đăng ký với Cục thuế sở tại.

Nhựa Bình Minh đã làm theo hướng dẫn của Tổng Cục thuế, gửi đăng ký hưởng ưu đãi giảm 100% trong 2 năm 2006 và 2007 và 50% năm 2008 kèm với văn bản trả lời của Tổng Cục thuế cho Cục Thuế TP. HCM.

Tuy nhiên, sau đó Cục Thuế TP. HCM thông báo là doanh nghiệp được hưởng cả 2 chính sách ưu đãi, nhưng không được gộp chung, tức hưởng ưu đãi thuế từ việc cổ phần hoá xong rồi mới chuyển qua hưởng ưu đãi thuế từ việc niêm yết. Nhựa Bình Minh cũng đã làm theo, tức các năm 2006, 2007, 2008, 2009 và 2010 đều hưởng ưu đãi thuế mỗi năm 50%. Bà Yến cho biết, sau khi có quyết định truy thu thuế và xử phạt, Nhựa Bình Minh rất bất ngờ vì Nhựa Bình Minh đã làm theo đúng các quy định của pháp luật, các thông báo cũng như hướng dẫn của cơ quan thuế.

Về việc thanh tra thuế tại Nhựa Bình Minh, bà Yến cho biết, đây là vấn đề bình thường vì thường 5 năm 1 lần, cơ quan thuế tổ chức thanh tra các doanh nghiệp. Khi được thanh tra, Nhựa Bình Minh đã trưng ra tất cả các số liệu, tài liệu, chứng từ liên quan. “Chúng tôi rất minh bạch, chẳng giấu giếm gì. Chúng tôi cũng chẳng gian lận gì. Trước giờ chúng tôi vẫn luôn hoàn thành tốt các nghĩa vụ thuế”.

Nhưng vì sao Nhựa Bình Minh lại bị truy thu và bị xử phạt? Bà Yến cho biết, Cục Thuế TP. HCM đã viện dẫn vào thông báo năm 2011 của Tổng Cục Thuế gửi chung cho các doanh nghiệp cổ phần hoá và niêm yết trong giai đoạn 2004-2008, theo đó doanh nghiệp chỉ được hưởng 1 trong 2 ưu đãi đãi thuế: hoặc ưu đãi đối với cổ phần hoá, hoặc ưu đãi đối với niêm yết, đồng thời nếu doanh nghiệp nào đã “lỡ” hưởng ưu đãi năm 2008 rồi thì được hưởng tiếp năm 2009, còn doanh nghiệp nào chưa được hưởng ưu đãi năm 2008 thì sẽ không hưởng luôn.

Như vậy, Nhựa Bình Minh được cho là kê khai sai, dẫn đến nộp thiếu tiền thuế năm 2009 và 2010. Bà Yến nói: “Thật là vô lý vì Nhựa Bình Minh đã lên sàn từ năm 2007. Những doanh nghiệp khác lên sàn trong năm này thì được hưởng ưu đãi, nhưng sao Nhựa Bình Minh thì không?”.

 

Cố gắng đảm bảo quyền lợi của cổ đông

Vấn đề ai đúng, ai sai trong câu chuyện tranh cãi về truy thu thuế tại Nhựa Bình Minh vẫn đang bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nếu Nhựa Bình Minh phải nộp các khoản theo như quyết định của Cục Thuế TP. HCM thì rõ ràng, dòng tiền Công ty sẽ bị ảnh hưởng, qua đó ít nhiều tác động đến giá cố phiếu các nhà đầu tư đang nắm giữ.

Nhựa Bình Minh đã gửi công văn đề nghị Cục Thuế TP. HCM tạm hoãn các khoản phải nộp nêu trên cho đến khi có ý kiến của Tổng Cục Thuế, đồng thời khiếu nại vấn đề này lên Tổng Cục Thuế. Bên cạnh đó, cổ đông lớn đại diện phần vốn Nhà nước là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã yêu cầu Nhựa Bình Minh gửi hồ sơ tài liệu để SCIC làm việc với Bộ Tài chính, vì nếu Nhựa Bình Minh phải nộp các khoản truy thu và phạt thì SCIC cũng bị thiệt do SCIC đang nắm 30% vốn của Nhựa Bình Minh.

Bà Yến cho biết, Nhựa Bình Minh sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo các lợi ích của nhà đầu tư. Nghị quyết của HĐQT về việc tạm ứng cổ tức 10% trong tháng 11/2013 sẽ không có gì thay đổi và kế hoạch cổ tức 20% cho cả năm nay vẫn được đảm bảo, ngay cả khi Nhựa Bình Minh phải nộp các khoản truy thu và phạt liên quan đến thuế.

Đến thời điểm gặp đại diện các nhà đầu tư, Nhựa Bình Minh chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2013, nhưng bà Yến cho biết, kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Theo số liệu hợp nhất chưa chính thức, doanh thu quý III/2013 đạt 550 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đạt 1.628 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đối với những doanh nghiệp cùng ngành thì đây là một sự ngạc nhiên, vì trong tình hình khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp nào khá lắm cũng chỉ tăng trưởng ở một con số. Sản lượng tiêu thụ quý III đạt 12.500 tấn; luỹ kế 9 tháng đạt 37.300 tấn, tăng gần 12%. Lợi nhuận trước thuế quý III đạt 117 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đạt 376 tỷ đồng, tăng 7,7%.

Dự kiến cả năm doanh thu đạt 2.050 tỷ đồng, cao hơn 8,5% kế hoạch đề ra và tăng 9,2% so với năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ ước đạt 50.000 tấn, tăng 8,1%. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 490 tỷ đồng, so với kế hoạch là 420 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích dự phòng 10,5 tỷ đồng nợ khó đòi từ đại lý là Công ty TNHH Nhựa Đức Thành nên lợi nhuận cả năm 2013 sẽ còn lại 409,5 tỷ đồng.

Theo bà Yến, Ban điều hành đã trình HĐQT kế hoạch kinh doanh năm 2014, theo đó, năm tới Nhựa Bình Minh sẽ không phát triển khách hàng ồ ạt về số lượng, mà chỉ tập trung ở những địa bàn còn yếu như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tom, Pleiku, Buôn Mê Thuột. Nhựa Bình Minh cũng dự định bỏ thêm chi phí để chăm sóc các khách hàng hiện tại. Bà Yến cho biết Nhựa Bình Minh cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng theo kỳ vọng của các cổ đông.

>> Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/10        

>> Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/10

>> BMP: Thị trường nhựa không thuận lợi

>> BMP bị truy thu 117 tỷ đồng thuế