BMP và NTP: ghế nóng “ngôi vương”

BMP và NTP: ghế nóng “ngôi vương”

(ĐTCK) Không những bá chủ thị trường phía Bắc, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) lâu nay còn được biết đến là nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất nước xét về sản lượng tiêu thụ và đi kèm là doanh thu.

Tuy nhiên, khi so kè với đối thủ lớn hiện đang bá chủ thị trường phía Nam là CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), ngôi vị của NTP dường như đã thay đổi.

Tại buổi gặp mặt quý IV/2014 với các nhà đầu tư vào ngày 21/10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc, Trưởng ban Quan hệ cổ đông của BMP cho biết, sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm đạt 40.074 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, con số này của NTP là 39.305 tấn. Như vậy, xét về sản lượng tiêu thụ thì NTP không còn lớn nhất thị trường. Về doanh thu, BMP ước đạt 645 tỷ đồng trong quý III/2014 và 1.764 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. BMP vẫn đứng sau khá xa khi các con số này của NTP lần lượt là gần 758,5 tỷ đồng và 2.158 tỷ đồng.

Nhưng vì sao NTP bán hàng ít hơn trong khi doanh thu lại cao hơn? Có sự khác nhau về cách tính. Đối với BMP, doanh thu được tính theo sản lượng và giá bán thực tế sau khi đã trừ đi phần chiết khấu cho đại lý. Trong khi đó, NTP ghi nhận doanh thu đầy đủ theo hóa đơn; phần chiết khấu cho đại lý được tính vào chi phí bán hàng. Điều này đã khiến cho tỷ suất lợi nhuận gộp của NTP cao hơn của BMP. Như vậy, về mặt con số thì NTP có doanh thu lớn hơn, nhưng về bản chất thì không hẳn.

BMP và NTP: ghế nóng “ngôi vương” ảnh 1 

Về lợi nhuận, BMP ước lãi sau thuế 107 tỷ đồng trong quý III và 350 tỷ đồng trong 9 tháng, cao hơn so với các con số 62,4 tỷ đồng và 214 tỷ đồng của NTP.

Với 3 tiêu chí vừa nêu là sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận, tính trong 9 tháng qua, BMP đang tạm đứng vị trí số 1. Mặc dù vậy, nếu phải lựa chọn mua cổ phiếu của 1 trong 2 công ty này thì vấn đề còn tuỳ thuộc quan điểm của từng nhà đầu tư, và đó là một câu chuyện khác.

Hiện 2 ông lớn ngành ống nhựa này đang ra sức mở rộng bờ cõi, lấn sân nhau. Mỗi bước đi của một bên đều được theo dõi sát sao bởi bên còn lại, mỗi bên đều có một chiến lược riêng và muốn chiếm lĩnh vị trí ngôi đầu.

BMP tận tình chăm sóc các đại lý và xem đó là thế mạnh, đồng thời tự hào về chất lượng sản phẩm của mình. NTP lấy chính sách hoa hồng hấp dẫn để thu hút các đại lý, dùng giá cạnh tranh để đưa sản phẩm vào các dự án. Chiến lược của NTP đang kéo một loạt doanh nghiệp vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, mà như bà Yến nói thì: “Cạnh tranh không còn gọi là khốc liệt nữa mà đã đến mức liều lĩnh. Giá bỏ thầu nhiều dự án rất đáng ngạc nhiên. Chúng tôi có tính toán nhưng không hiểu nổi vì sao họ có thể bỏ những mức giá như thế. Nếu chủ đầu tư chỉ cần không quan tâm đến chất lượng một chút thì BMP khó có thể chen chân”.

BMP cố gắng lấn sân ra Bắc nhưng con đường đặt chân ra đất Bắc là không đơn giản. Doanh thu phía Bắc của BMP trong 9 tháng đầu năm nay có tăng trưởng vài chục phần trăm, nhưng chưa đạt kỳ vọng và vẫn chưa thể tự trụ được nếu không có sự hậu thuẫn của công ty mẹ. Bà Yến cho biết, mức chiết khấu của BMP khu vực miền Bắc cao hơn trong Nam 10 điểm phần trăm. “Nếu để bằng miền Nam, chúng tôi chắc sẽ phải đóng cửa. Năm ngoái đã có 1 tháng ngồi chơi rồi”, bà Yến nói.

Cuộc cạnh tranh về giá và hoa hồng vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi giá nguyên liệu trong năm 2014 tăng lên so với năm 2013. PVC là nguyên liệu chính trong sản xuất ống nhựa với giá trung bình trong 9 tháng đầu năm đã tăng khoảng 6% so với mức bình quân năm ngoái. Chỉ riêng khoản tăng giá này đã khiến chi phí của BMP tăng thêm 60 tỷ đồng.

NTP chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy mạnh doanh thu, còn BMP quyết không chơi theo cách này. Theo bà Yến, BMP đã từng từ chối cung cấp sản phẩm cho một số dự án lớn vì thấy không hiệu quả, mặc dù biết rằng nếu làm thì doanh thu của BMP sẽ tăng mạnh.

Thực tế, BMP cũng không hoàn toàn cứng nhắc với giá bán của mình. Giá bán của BMP qua hệ thống đại lý không thay đổi từ nhiều năm nay, nhưng bà Yến thừa nhận giá chào cho các dự án có thay đổi. Một số đại lý của BMP cũng tham gia đấu thầu vào các dự án và để họ có thể trúng thầu thì BMP cũng phải hậu thuẫn.

Trên sàn, hiện giá BMP là 68.000 đồng/CP, còn giá NTP khoảng 47.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan