Ông Ngân cho rằng, nếu Công ty áp dụng chính sách kinh doanh của cổ đông lớn Nawa như tại Thái Lan thì 100% khách hàng (các nhà phân phối) của BMP sẽ bỏ đi hết.
Theo ông Ngân, mục tiêu của Nawa là bảo toàn được biên lợi nhuận, nên khi giá nguyên liệu tăng, họ điều chỉnh giảm ngay lập tức chiết khấu cho đại lý. Trong khi đó, giá bán sản phẩm ống nhựa tại Thái Lan do nhà nước không chế, muốn thay đổi giá bán phải được sự cho phép của chính phủ.
“Tôi không hiểu vì sao họ làm được chuyện này”, ông Ngân nói.
Năm 2018, chuyển biến lớn nhất của Nhựa Bình Minh là có HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2019 - 2023, trong đó có 3/5 đại diện cổ đông lớn Nawa Plastic Industrial Ltd và 1 thành viên độc lập.
Hiện Nawa chưa có kế hoạch tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại BMP, nhưng ông Sakchai Patiparnpreechavud, Chủ tịch HĐQT BMP khẳng định, Nhựa Bình Minh có thương hiệu tốt và mục tiêu của Nawa là đưa sản phẩm của BMP xuất khẩu sang các nước trong khu vực, chứ không chỉ thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, giới thiệu sản phẩm BMP cho đối tác của Nawa, hoặc sản phẩm keo dán ống của BMP được giới thiệu ở Thái Lan.
Tuy nhiên, trong năm 2018, theo ông Ngân, Nawa chưa có hỗ trợ gì nhiều về mặt thị trường, hoạt động chủ yếu giữa 2 bên là chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, liên quan đến quản trị nhiều hơn. Hiện nay, Nawa đang mua một số sản phẩm của BMP mà họ không có như keo dán, phụ tùng PPR... và dự kiến phân phối các sản phẩm đó sang một số thị trường trong khu vực như Myanma, Campuchia, Indonesia.
Dưới góc độ quản trị, cổ đông Thái Lan có một hệ thống quản trị tiên tiến, đặc biệt liên quan đến logistic, quản trị tồn kho, quản trị vốn lưu động... đã có 20 năm vận hành theo ERP nên có hệ thống dữ liệu tốt. Tập đoàn của họ có gần 300 công ty trên khắp thế giới, nhưng có thể đảm bảo quy định nước sở tại là hợp nhất báo cáo tài chính trong vòng 4 ngày. Hiện ERP của BMP có 6 module, bắt đầu áp dụng từ 1/1/2017.