Tâm lý nhà đầu tư thận trọng đã khiến thị trường giao dịch chậm lại và chỉ số VN-Index có chút rung lắc nhẹ trong phiên sáng 17/2 bởi áp lực bán gia tăng sau khi thị trường trải qua 2 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn trong khi dòng tiền vẫn tham gia tích cực, với điểm nhấn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã giúp VN-Index tạm dừng phiên sáng tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã giúp nhiều mã nổi sóng lớn với thanh khoản bùng nổ. Tuy nhiên, diễn biến đi ngang dưới mốc tham chiếu của nhóm bluechip đã khiến VN-Index vẫn chỉ duy trì được đà tăng nhẹ.
Sau hơn 1 giờ giao dịch lình xình, nhóm cổ phiếu bluechip đã gia tăng sức ép lên thị trường khi áp lực bán dâng cao. Chỉ số VN-Index “quay xe” và chính thức đảo chiều giảm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC. Thị trường khép lại phiên giao dịch đầu tuần giảm nhẹ chưa tới 3,5 điểm, với điểm tích cực là thanh khoản cải thiện mạnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 195 mã tăng và 266 mã giảm, VN-Index giảm 3,36 điểm (-0,26%) xuống 1.272,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 852,8 triệu đơn vị, giá trị gần 17.667 tỷ đồng, tăng 31,2% về khối lượng và 18,9% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 14/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 113,4 triệu đơn vị, giá trị 2.252 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giao dịch kém tích cực khi kết phiên giảm 6,5 điểm, với 19 mã giảm và chỉ còn 9 mã tăng. Trong đó, cặp đôi MSN và MWG tiếp tục giật lùi, đóng cửa đều giảm hơn 2%; còn FPT và BID vẫn là gánh nặng chính khi cùng lấy đi gần 0,5 điểm mỗi mã, kết phiên giảm trên dưới 1%.
Ngược lại, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là SHB và SSB tăng tốt nhất trong rổ VN30 đều đạt hơn 1,8%, còn lại các mã giữ được sắc xanh chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nóng hơn và trở thành tâm điểm của thị trường với hàng loạt mã tăng tốc mạnh cùng thanh khoản bùng nổ.
Điển hình là VIX đã có phiên giao dịch đột biến với thanh khoản lập kỷ lục lên tới 87,8 triệu đơn vị, gấp tới gần 60 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây. Về giá cổ phiếu, có thời điểm VIX đã tăng kịch trần và đóng cửa mã này ghi nhận mức tăng 5,9% lên 10.750 đồng/CP.
Cổ phiếu EVF có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, đóng cửa tại mức giá cao nhất trong khoảng 3 tháng là 10.950 đồng/CP, đồng thời thanh khoản tiếp tục tăng mạnh so với phiên bùng nổ cuối tuần trước, đạt gần 23,2 triệu đơn vị.
Một số mã vừa và nhỏ khác cũng giao dịch bùng nổ như BCG khớp lệnh tới 21,77 triệu đơn vị và lực cầu mạnh mẽ đã giúp mã này đảo chiều thành công, có thời điểm tăng vọt gần kịch trần và kết phiên tăng 3,5%; EIB cũng đảo chiều tăng 1,6% và khớp 16,26 triệu đơn vị, ORS tăng 2,7% và khớp 13,2 triệu đơn vị… Ngoài ra, các mã SGR, FCM, SBG, DHM, TMT, VTO, ASP, YBM đều đóng cửa tại mức giá trần…
Xét về nhóm ngành, ngân hàng và chứng khoán diễn biến trái chiều nhau. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đảo chiều giảm, bởi sắc đỏ lan rộng hơn và nhiều mã thậm chí nới rộng biên độ giảm như TCB và BID cùng giảm hơn 1%. Ngoài ra, CTG giảm gần 1%, MBB, HDB, LPB, VIB đều đóng cửa điều chỉnh nhẹ.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu chứng khoán ngược dòng thị trường chung và trở thành điểm sáng khi bất ngờ đua nhau khởi sắc, không có mã nào giao dịch dưới mốc tham chiếu và thanh khoản đồng loạt tăng vọt. Bên cạnh VIX đột biến, các mã khác như VND tăng 2,7% và khớp lệnh gần 25 triệu đơn vị, FTS, CTS, ORS đều tăng hơn 2%..., về thanh khoản có thêm SSI, HCM, ORS, VCI khớp lệnh trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng tích cực trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, sàn HNX có 96 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 1,97 điểm (+0,85%), lên 233,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 68 triệu đơn vị, giá trị 1.071 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10,61 triệu đơn vị, giá trị hơn 152 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX đồng loạt nới rộng biên độ tăng, trong đó SHS kết phiên tăng 2,2% và thanh khoản vượt trội, đạt hơn 16,2 triệu đơn vị, MBS tăng 0,7% và khớp 3,43 triệu đơn vị, BVS tăng 3,4%, APS tăng 3,3%, VFS tăng 1,2% với thanh khoản cùng đạt gần 1 triệu đơn vị, EVS tăng 6,7%, VIG và IVS cùng tăng hơn 1,5%...
Nhiều cổ phiếu trong nhóm HNX30 cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường như NVB tăng 5,8%, CEO tăng 1,5%, HUT tăng 1,9%, NTP tăng 1,9%, DVM tăng 6,1%...
Trên UPCoM, sắc xanh chiếm ưu thế và chỉ số UPCoM-Index tiếp tục khởi sắc với thanh khoản sôi động.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,04 điểm (+1,06%), lên 99,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,32 triệu đơn vị, giá trị 1.066 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,16 triệu đơn vị, giá trị 24,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu cao su DRI vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản với gần 13,3 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, kết phiên giá cổ phiếu tăng 8,1%.
Bên cạnh đó, nhiều mã vừa và nhỏ trên UPCoM cũng có phiên giao dịch tích cực như AAH tăng 10,7% với thanh khoản chỉ thua DRI, đạt gần 7,5 triệu đơn vị, BCR tăng 2,2% và khớp 5,1 triệu đơn vị, HBC tăng 5,9% và khớp 4,44 triệu đơn vị, BOT tăng kịch trần với khối lượng khớp hơn 3,7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.
Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đều duy trì đà tăng mạnh như ABB tăng 3,9%, VAB tăng 7,3%, SBS tăng 3,8%, AAS tăng 4,6%, với thanh khoản đều đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ. Trong đó, VN30F2502 giảm mạnh nhất là 6,5 điểm, tương đương -0,5% xuống 1.335,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 37.330 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó, CVNM2407 có thanh khoản cao nhất đạt 2,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 13,6% xuống mức 510 đồng/cq; tiếp theo là CACV2404 khớp gần 2,4 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 710 đồng/cq.