Bluechip gây sức ép, nhưng thị trường vẫn giữ được ngưỡng 1.200 điểm

Bluechip gây sức ép, nhưng thị trường vẫn giữ được ngưỡng 1.200 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới Giáp Thìn cũng là phiên đáo hạn phái sinh, nên khả năng biến động mạnh của nhóm bluechip đã gây đôi chút khó khăn cho nhà đầu tư. Nhưng với tâm lý tích cực vẫn chiếm ưu thế lớn và giúp VN-Index đứng vững trên mốc 1.200 điểm khi đóng cửa.

Sau phiên sáng tăng nhẹ với thanh khoản cải thiện đáng kể, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái tích cực và VN-Index “nhăm nhe” tiến tới mốc mới tại 1.210 điểm.

Tuy nhiên, phiên đáo hạn phái sinh chưa bao giờ là dễ đoán, khi VN-Index chưa chạm đến mốc này, thì áp lực đã đến với nhóm bluechip, đặc biệt gần thời điểm 14h, đã khiến nhiều mã hạ độ cao hoặc nới thêm đà giảm và chỉ số theo đó VN-Index đảo chiều lùi về gần tham chiếu, trước khi may mắn kịp lấy lại mốc 1.200 điểm ở những phút cuối khi lực mua trở lại với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Đóng cửa, sàn HOSE có 321 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 3,97 điểm (+0,33%), lên 1.202,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 868,7 triệu đơn vị, giá trị 19.393 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên ngày 7/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn gần 25 triệu đơn vị, giá trị 772,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 trở nên phân hóa hơn. Trong đó, ở những mã tăng thì bộ ba cổ phiếu ngân hàng TCB, MBB và SHB vẫn là những cái tên tăng tốt nhất và hút giao dịch mạnh.

Theo đó, TCB +3% lên 38.400 đồng, khớp hơn 13 triệu đơn vị; MBB +2,8% lên 24.150 đồng, khớp 24 triệu đơn vị; SHB +2,2% lên 11.900 đồng, khớp lệnh vượt trội và cao nhất thị trường với hơn 44,4 triệu đơn vị.

Các mã khác như VPB, SAB, PLX, VIB, TPB và HPG nhích hơn 1% đến 2%, với HPG khớp lệnh cũng chỉ đứng sau SHB trên thị trường khi có gần 37 triệu đơn vị.

Nếu như phiên sáng chỉ có bốn mã giảm trong VN30 thì cuối phiên con số này đã là 8 mã, với ACB bị chốt lời nhẹ và giảm 2,9% xuống 27.200 đồng, các mã CTG, GVR, MWG giảm trên dưới 1,5%, còn lại VCB, BCM, VJC, FPT chỉ giảm nhẹ. Trong khi đó, VNM, SSI, MSN, GAS và BID về giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý nhất vẫn là mã ngân hàng MSB khi đã trở lại mức giá trần +6,74% lên 15.050 đồng, khớp 35,3 triệu đơn vị, đứng thứ ba thị trường và là mức cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 11/2021.

Các sắc tím đáng kể khác còn CRC, GIl, FIR và TVB, khớp từ hơn 0,6 triệu đến gần 2 triệu đơn vị. Các mã OCB +5,3% lên 15.900 đồng, QCG +4,8% lên 8.800 đồng, CII +4,4% lên 19.200 đồng, NO1 +4% lên 11.700 đồng, HHP +3,9% lên 10.800 đồng, KDH +3,6% lên 6.260 đồng…

Tăng khá khác còn phải kể đến HAG, GEX, EVG, TCD, TSC, TDH, HHV, KSB, FCN, KPF, DGW, APG, IDI với mức tăng từ 2,5% đến 3,5%.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư không bán quá mạnh và chỉ ST8 là đáng kể khi lùi về giá sàn -6,72% xuống 11.100 đồng, khớp lệnh đạt hơn 1,89 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã có nhịp tăng ngay đầu phiên chiều trước khi hạ độ cao về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 106 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (+0,74%), lên 232,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,2 triệu đơn vị, giá trị 1.239,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,31 triệu đơn vị, giá trị 38,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là TVC khi tăng kịch trần +9,7% lên 7.900 đồng, khớp hơn 1,35 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu thanh khoản cao khác cũng phần lớn đều tăng, nhưng mức tăng chỉ khiêm tốn, với SHS, CEO, HUT, MBS, TNG, IDC, DTD chỉ nhích trên dưới 1%, còn VGS, LAS, AMV tăng hơn 2%. Trong đó, SHS vẫn là cổ phiếu hút thanh khoản nhất khi có hơn 11,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lùi nhẹ đôi chút so với mức điểm cuối phiên sáng và đi ngang trước khi có nhịp bật lên vào cuối phiên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,71 điểm (+0,81%), lên 90,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,4 triệu đơn vị, giá trị 449 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,84 triệu đơn vị, giá trị 37 tỷ đồng.

Bảng điện tử cũng tích cực với các cổ phiếu tăng điểm áp đảo trong nhóm các mã thanh khoản cao, nhưng mức tăng đa số chỉ trên dưới 1%, trong đó, BSR +1,6% lên 18.800 đồng, khớp hơn 5,42 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2402 đáo hạn hôm nay đã giảm 1,2 điểm (-0,10%), xuống 1.217,8 điểm, khớp lệnh hơn 103.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 27.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh, với CSTB2322 phiên này khớp lệnh tới hơn 5,25 triệu đơn vị và giảm 3,5% xuống 820 đồng/cq. Theo sau là CVPB2309 với 3,94 triệu đơn vị nhưng tăng 8% lên 270 đồng/cq, mã CHPG2326 khớp 3,35 triệu đơn vị và nhích 4,3% lên 730 đồng/cq.

Tin bài liên quan