Bà Lê Thị Thu Thủy của Tập đoàn Vingroup cho biết, trước khi bắt tay vào triển khai dự án khu trung tâm mua sắm trong lòng đất lớn nhất châu Á Vincom Mega Mall Royal City, bà đặt suy nghĩ của mình trên cương vị một người mẹ hơn là một CEO. Chứng kiến cảnh các gia đình không có chỗ nào để đi vào mỗi dịp cuối tuần thôi thúc bà thực hiện ý tưởng đưa bể bơi và sân trượt băng vào khu thương mại, biến nơi đây trở thành điểm đến vui chơi lý tưởng cho hơn 6,8 triệu dân Hà Nội.
Nỗ lực của bà Thủy đã được đền đáp khi trông thấy hình ảnh những đứa trẻ và các cặp vợ chồng trẻ tụ tập và chơi đùa ở những khu vực vui chơi bên trong trung tâm trước thời điểm bà rời khỏi vị trí CEO và chuyển sang điều hành mảng kinh doanh online mới của Tập đoàn.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VinE-com, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup
Theo bà Thủy, thành công của các nữ lãnh đạo Việt Nam có thể một phần xuất phát từ những kỹ năng truyền lại trong suốt thời gian hàng thập kỷ của các cuộc chiến tranh. Với việc người đàn ông phải xa gia đình đi chiến đấu đã buộc những người vợ ở nhà phải đảm đương toàn bộ công việc kinh doanh cũng như quản lý tài chính của cả gia đình. Mặc dù phụ nữ Việt Nam chỉ chiếm ít hơn 7% tổng số ghế trong hội đồng quản trị công ty của quốc gia, song đây vẫn là tỷ lệ cao thứ 2 trong cộng đồng các nước Đông Nam Á sau Philippine, theo số liệu nghiên cứu của IRFC.
Tác động toàn cầu
“Không như ở nhiều nước châu Á, nơi người phụ nữ luôn phải chịu thiệt thòi, phụ nữ Việt Nam đang chứng tỏ sức mạnh thống trị. Điều này có lẽ thuộc về nét văn hóa đặc trưng khi từ lâum những người phụ nữ nơi đây rất chăm chỉ, thông minh và trung thành”, Peter Ryder, CEO của Tập đoàn Indochina Capital, tập đoàn đang có cổ phần tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam có lãnh đạo là phụ nữ, cho biết.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk)
“Có những tình huống kinh doanh bắt buộc đòi hỏi người phụ nữ phải lãnh đạo”, Deborah Gillis, CEO của tổ chức phi lợi nhuận Catalyst chuyên nghiên cứu về phụ nữ ở môi trường làm việc nói.
Lợi nhuận cao
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index đang theo chiều hướng đi lên khi tăng vọt 21% trong vòng 1 năm qua cho đến tuần qua, trong khi chỉ số lạm phát giảm xuống tốc độ chậm nhất kể từ tháng 3/2009. Lĩnh vực xuất khẩu vươn lên đứng đầu, đồng thời Ngân hàng trung ương tuyên bố cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tới mức thấp trong 6 năm. Những nhà hoạch định chính sách đang cố gắng phục hồi nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng dự đoán 5,8% trong năm nay so với 5,42% của năm 2013.
Chỉ số của 43 công ty tại Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo tăng 40% trong năm qua và tăng 193% kể từ thời điểm tháng 3/2009, theo IFRC. Đây là mức tăng khá ấn tượng, thậm chí vượt xa hẳn so với mức tăng 107% của chỉ số VN-Index, theo số liệu thống kê của Bloomberg.
Cổ phiếu do phụ nữ sở hữu trải dài trên khắp 7 quốc gia chủ yếu tập trung ở các tập đoàn công nghiệp hoặc tài chính.
Hội đồng quản trị
Nữ giới chiếm khoảng 6,27% thành viên trong hội đồng quản trị ở các công ty Việt Nam. 12,5% trong tổng số 16 nhà lãnh đạo cao cấp trong khối chính trị tại Việt Nam là nữ. Tại Hoa Kỳ, phụ nữ giữ vai trò 17% trong Hội đồng quản trị năm 2013, theo số liệu của Catalyst.
Theo ông Chris Freund, đối tác của Công ty quản lỹ quỹ Mekong Capital, tại Việt Nam, nữ giới có khuynh hướng thận trọng trong việc đưa ra quyết định hơn đàn ông. Họ thường tìm kiếm sự đồng thuận trong cổ đông hơn là tự ý ra lệnh rồi bắt buộc thực hiện chiến lược.
Bà Vũ Thị Thuận, người vừa rời khỏi vị trí CEO của Công ty cổ phần Traphaco năm 2011 để lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, trong suốt 11 năm lãnh đạo, bà đều ngồi dùng cơm trưa với nhân viên. Theo bà Thuận, môi trường làm việc thân thiện là yếu tố giúp Traphaco giữ lại nhân tài trước những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn khác bên ngoài.
Môi trường gia đình
“Phụ nữ Việt Nam rất giỏi trong việc tạo ra môi trường làm việc gia đình, nơi mọi người cảm thấy họ là một phần của tập thể gia đình hoặc đội ngũ đó. Nữ lãnh đạo Việt Nam có lòng trung thành cao tuyệt đối”, Chris Freund nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả công ty hàng đầu quốc gia đều do nữ lãnh đạo. Đơn cử như Tập đoàn FPT, nơi chứng kiến mức tăng nhảy vọt 145% trong 5 năm qua, đồng thời doanh số bán hàng và lợi nhuận đều tăng hơn 50% không hề có bất kỳ CEO nữ giới nào.
“Sự cân bằng giới tính là một điều tốt nhưng tôi không nghĩ nó sẽ thực sự lay chuyển người đầu tư theo cách này hay cách khác. Kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, khả năng thích ứng và sự kiên quyết là những nhân tố chính tạo nên một nhà lãnh đạo thành công”, Patrick Mitchell, Trưởng phòng bán hàng ở Công ty cổ phần Chứng khoán VinaSecurities JSC nói.
Cách nhìn đa dạng
“Việc người phụ nữ đảm trách nhiều vị trí trong ban lãnh đạo công ty đang mang đến cái nhìn đa dạng trong quá trình xử lý công việc trước khi đưa ra quyết định nào đó”, Simon Andrews, Giám đốc Tập đoàn International Finance Corp ở các quốc gia như Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan và Cambodia cho biết.
Theo Simon Andrews, nếu chúng ta loại nữ giới ra khỏi bộ máy lãnh đạo nghĩa là chúng ta đang loại bỏ khả năng biến chuyển công việc kinh doanh theo chiều hướng đa dạng hơn.
Cụ thể, 2 công ty hàng đầu quốc gia có mức tăng ấn tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam trong vòng 5 năm qua là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam và Tập đoàn Vingroup đều do nữ lãnh đạo.
Công ty Vinamilk đã có mức tăng trưởng khủng với 688% kể từ thời điểm tháng 3/2009 với giá trị ước tính khoảng 5,6 tỷ USD. Dưới bàn tay lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên, sản phẩm sữa của Công ty đã được xuất khẩu đi 23 nước và đặt mục tiêu doanh thu hơn 3 tỷ USD đến năm 2017 so với con số vỏn vẹn chỉ 500 triệu USD từ cách đây 5 năm.
Theo bà Liên, yếu tố để người phụ nữ thực hiện vai trò lãnh đạo tốt hơn nam giới là vì phụ nữ thường cẩn trọng hơn đàn ông, dẫn đến họ có khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro cao hơn đàn ông.
Phụ nữ độc lập
Theo bà Thu Thủy, cựu CEO của Tập đoàn đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam, quyết định biến những cụm trung tâm thương mại của Tập đoàn trở thành “người bạn trung thành” của mọi gia đình Việt Nam chứng tỏ người phụ nữ có thể đưa kinh nghiệm cá nhân làm bàn đạp cho việc hoạch định chiến lược.
“Bà Thủy đã đem lại quan điểm hoàn toàn khác đến với lĩnh vực kinh doanh rất ‘nam giới’ này. Đó chính là điều làm cho bà ấy thật sự nổi bật và hiệu quả”, Ralf Matthaes, Giám đốc quản lý vùng của Hãng nghiên cứu TNS ở TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Niềm đam mê của bà Thủy xuất phát từ hình tượng những người phụ nữ kiên cường trong cuộc chiến tranh. Phụ nữ từ xa xưa phải đảm đương nhiều trọng trách từ kinh tế gia đình cho đến chăm sóc con cái. Những tấm gương giỏi giang đó đã truyền đến cho thế hệ mai sau như bà Thủy và những nữ CEO tài ba khác trong xã hội Việt Nam ngày nay.