Hình ảnh chợ Hôm (Hà Nội) trên trang Bloomberg

Hình ảnh chợ Hôm (Hà Nội) trên trang Bloomberg

Bloomberg: châu Á chuẩn bị chào đón chú hổ mới có tên Việt Nam

(ĐTCK) Hôm nay (23/3), Bloomberg đã có bài viết dài đánh giá về nền kinh tế Việt Nam. Tờ báo kinh tế nổi tiếng này cho rằng, châu Á sắp đón nhận chú hổ mới, chính là Việt Nam.

Nguồn tiền từ các nhà sản xuất lớn như Samsung Electronics Co. và Intel Corp đang giúp Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong cuộc chạy đua trở thành chú hổ mới của châu Á. Đất nước với nền kinh tế “đổi mới”, bắt đầu mở cửa từ những năm 1980, đã bứt phá với tốc độ tăng trưởng khoảng 7% trong những năm gần đây sau một thời gian dài trì trệ bởi nợ xấu tại các công ty nhà nước.

Theo PricewaterhouseCoopers LLP, đất nước này có tiềm năng trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ 2014 tới năm 2050.

Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất với chi phí rẻ thay thế cho người hàng xóm Trung Quốc, mà còn là điểm đến dễ chịu đối với các công ty Nhật Bản muốn đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này .

Uỷ viên cấp cao tại Chương trình châu Á và chủ tịch Nghiên cứu châu Á tại Carnegie Endowment của tổ chức Hòa bình quốc tế tại Washington, Vikram Nehru cho biết: “Rất có thể Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại châu Á”.

“Đất nước này có đủ mọi yếu tố để phát triển vượt bậc nếu có thể đối diện với những thay đổi trong khu vực nhà nước”, ông cho biết thêm.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng vọt trong vòng 14 năm qua, đạt mức 12,35 tỷ USD trong năm 2014, tăng 7,4% so với năm 2013 và so với chỉ 2,4 tỷ USD trong năm 2000, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài. Samsung đã mở rộng đầu tư vào đất nước này đến mức chính phủ Việt Nam đã đồng ý mở một ga hàng không riêng tại sân bay quốc tế Nội Bài cho tập đoàn này.

Có rất nhiều các công ty sản xuất nước ngoài cũng đã rời Trung Quốc và tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Hãng sản xuất máy in của Nhật Bản, Kyocera Document Solution Inc đang lên kế hoạch tăng gấp 4 lần sản lượng sản xuất tại Việt Nam, lên 2 triệu chiếc vào tháng 3/2018. Một bộ phận của hãng này ở Trung Quốc đã được chuyển sang Hải Phòng, biến Việt Nam trở thành nhà máy lớn nhất của hãng máy in này.

Đồng chủ tịch phụ trách nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Holding Plc tại Hong Kong, Frederic Neumann cho biết: “Việt Nam thực sự giành chiến thắng lớn trước Trung Quốc trong lợi thế cạnh tranh, bởi mức lương sản xuất tại Trung Quốc đã tăng lên”, điều này khiến Việt Nam thu hút được dòng tiền mạnh. “Bằng những bước đi sớm trong việc rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc, Việt Nam chính là lựa chọn đầu tiên của nhà đầu tư, và hiện thực đó đang bắt đầu từ bây giờ”, ông cho biết thêm.

Trong năm 2014, chỉ số Vn-Index đã tăng 5,5%, so với mức tăng 4,1% của Indonesia, 2,45 của Malaysia và 2,2% của Thái Lan theo số liệu của Bloomberg.

GDP hàng năm của Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn ở mức 5,3% trong giai đoạn từ 2014 đến 2050, theo báo cáo “Thế giới năm 2050” của PwC. Trong khi đó, Trung Quốc có thể giảm 4%.

Dân số là một lợi thế lớn cho Việt Nam. Đến năm 2012, 13% dân số Trung Quốc đã bằng hoặc hơn 60 tuổi, so với 9% tại Việt Nam, theo số liệu của Liên hợp quốc. Hơn 40% dân số Việt Nam trong năm 2013 ở trong độ tuổi lao động từ 15 đến 49 tuổi, theo số liệu của chính phủ nước này.

Mức lương trung bình theo tháng của Việt Nam là 197 USD trong năm 2013, so với mức 391 USD tại Thái Lan và 613 USD tại Trung Quốc, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế. Sự chênh lệch này đang ngày càng được nới rộng hơn nữa. Theo dự đoán của Economist Intelligence Unit, đến năm 2019, mức lương lao động theo giờ tại Trung Quốc sẽ bằng 177% so với mức lương tại Việt Nam, so với 147% năm 2012.

Một lợi thế khác của Việt Nam đó là, nước này đang tiến hành đàm phán tham dự vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương cùng với Liên minh châu Âu về một khu vực tự do thương mại.

 Samsung là ví dụ minh họa cho sự hấp dẫn của Việt Nam (ảnh:VNN)

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ING Groep NV, Tim Condon cho biết: “Việt Nam sẽ thế chỗ Thái Lan, trở thành ngôi sao khu vực sông Mê kông”. Đây là khu vực bao gồm các quốc gia Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Australia & New Zealand Banking Group Ltd. Trong tháng 3 đã nâng mức dự đoán GDP của Việt Nam lên 6,5% trong năm nay và năm sắp tới, cho thấy sức mạnh của hệ thống bán lẻ, sự tăng tốc của sản xuất công nghiệp cũng như sự phát triển ngành xây dựng.

Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Victoria Kwakwa cho biết: “cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, từ nông nghiệp sang sản suất công nghiệp”. “Bạn có thể nhìn thấy những bước tiến đó đang diễn ra”, bà cho biết thêm.

Tuy nhiên, các chủ nợ tại Việt Nam phải chấp nhận tình trạng nợ xấu, và chính phủ cũng đang phải vật lộn nhằm đại tu các cơ quan nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Cơ sở hạ tầng không đủ, thiếu kỹ năng và tình trạng tham nhũng cũng là những mối lo ngại lớn. Việt Nam xếp thứ 119 trong danh sách 175 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2014 của Transparency International tại Berlin.

Trung Quốc đứng thứ 100 trong danh sách này. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines và Malaysia cũng đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua phát triển này.

Việt Nam đang cố gắng cổ phần hóa một lượng lớn doanh nghiệp nhà nước trong năm nay, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài Chính) cho biết trong buổi phỏng vấn hôm 13/3.

Hawksworth, một trong những tác giả của báo cáo “Thế giới năm 2050” cho biết: “không có gì đảm bảo Việt Nam sẽ khai thác hết các tiềm năng của mình. Điển hình như Việt Nam có vị trí địa lý tốt nhưng vẫn còn phải làm nhiều việc để tận dụng hết lợi thế này để tăng GDP trên đầu người”.

Thêm một bất lợi nữa là năng suất lao động vẫn còn thấp. Rất nhiều công việc đã được chuyển sang Việt Nam khi việc sản suất tại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cuối của chuỗi giá trị, điển hình là lao động làm việc tại các xưởng dệt may, nội thất và điện tử.

Giám đốc tổ chức thực tiễn của McKinsey & Co.  tại châu Á, Karel Eloot cho biết: “Năng suất trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện rất thấp”, giải quyết được vấn đề này thì “đây sẽ là viên đạn lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam”.

Tin bài liên quan