Thị trường hiếm có
“Không còn nhiều thị trường có tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam”, John Ditty, giám đốc bộ phận tư vấn thương vụ tại KPMG Việt Nam nhận định.
Việc Sabeco, có trụ sở tại TP. HCM và Habeco, tại Hà Nội đang trình kế hoạch bán cổ phần vào nửa cuối năm nay sẽ tạo cơ hội để các công ty quốc tế có thể mở rộng tầm ảnh hưởng, nhất là với những doanh nghiệp chưa hiện diện tại Việt Nam, Ditty cho biết.
Việc tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng và cơ cấu dân số trẻ giúp nhu cầu tiêu thụ bia tại Việt Nam đã tăng 300% kể từ năm 2002 cho tới nay, theo Euromonitor. Ước tính thị trường này trị giá 147,2 nghìn tỷ đồng (6,5 tỷ USD) năm 2016. Trong khi đó, mức tiêu thụ dự tính sẽ đạt 40,6 lít bia/người trong năm 2017, biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Lượng tiêu thụ bia/người tại Việt Nam (đường màu trắng) được dự báo tăng 65% giai đoạn 2011 - 2021
Cần để mắt
Báo cáo của Euromonitor nhận định: “Việt Nam sẽ là thị trường cần để mắt. Nhờ văn hóa ăn uống đường phố và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất về khối lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2016 – 2021”.
Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp ngành bia tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi, ra mắt sản phẩm mới. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lên. Heineken NV của Hà Lan và Carlsberg A/S của Đan Mạch là 2 cái tên đang đấu tranh quyết liệt để giành thị phần tại thị trường Việt Nam, qua đó khiến doanh số bán ra tại đây ngày càng leo dốc.
Thị phần của các doanh nghiệp bia năm 2016
Theo ông Lê Hồng Xanh, cựu CEO Sabeco, Heineken, Anheuser-Busch InBev Nv, Asahi Group Holdings Ltd và Kirin Holdings Co là những cái tên nổi bật trong số khoảng hơn 6 công ty nước ngoài muốn mua cổ phần của Sabeco trong lần chào bán sắp tới.
Thu hút sự chú ý
“Châu Á và châu Đại Dương là những thị trường trọng tâm của công ty chúng tôi và chúng tôi rất quan tâm tới việc đầu tư vào Việt Nam bởi nhìn thấy khả năng tăng trưởng của thị trường này”, Naomi Sasaki, người phát ngôn Kirin Holdings cho biết.
Bên cạnh đó, Asahi Group tiếp tục chú ý tới việc mua cổ phần tại các doanh nghiệp bia tại Việt Nam, Takuo Soga, người phát ngôn của Công ty cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ bia tại Việt Nam đã tăng 300% kể từ năm 2002 cho tới nay
Tương tự, Marianne Amssoms, Phó chủ tịch bộ phận truyền thông của AB InBev khẳng định: “Công ty cam kết có sự gắn bó với thị trường Việt Nam và sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong dài hạn”.
Hiện tại, Bộ Công thương đang nắm giữ 89,59% cổ phần tại Sabeco, doanh nghiệp sản xuất bia hàng đầu Việt Nam, với giá trị khoảng 1,8 tỷ USD trong tháng 8/2016. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng nắm giữ 82% cổ phần tại Habeco, với giá trị khoảng 404 triệu USD.
Tác động tới sức khỏe
Chính phủ Việt Nam nhận ra cơ hội thu về khoản vốn lớn khi cổ phần hóa các doanh nghiệp sản xuất bia hàng đầu. Nhưng đồng thời cũng nhận ra những tác động của ngành công nghiệp này tới sức khỏe cộng đồng.
Theo WHO, đàn ông Việt Nam có xu hướng uống nhiều và 8,7% số đó chịu các tác động tiêu cực về sức khỏe do phụ thuộc vào đồ uống có cồn. Con số này tại khu vực phía tây Thái Bình Dương là 4,6%.
Bia là loại đồ uống có cồn "thống trị" tại Việt Nam