Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hiện dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào thứ Tư (15/6). Từ việc xem lạm phát cao “nhất thời” vào năm ngoái đến việc đẩy nhanh việc kết thúc chương trình mua trái phiếu đang khiến các thị trường tài chính hoảng loạn.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde gần đây cũng trở nên diều hâu hơn những gì bà đã chỉ ra trước đây và Ngân hàng trung ương Úc (RBA) nằm trong số những ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhanh hơn so với các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu.
Các nhà đầu tư đang đưa ra nhận định khi họ lo ngại rằng cuộc chạy đua để bù đắp cho những sai sót dự báo trong quá khứ làm tăng nguy cơ suy thoái. Chứng khoán toàn cầu đã bước vào thị trường giá xuống, lợi tức kho bạc Mỹ hôm 13/6 công bố mức tăng mạnh nhất trong hai ngày kể từ những năm 1980 và thị trường tín dụng đang có dấu hiệu gia tăng căng thẳng.
Hơn 50 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng lãi suất ít nhất một lần 50 điểm cơ bản trong năm nay |
Sayuri Shirai, cựu thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, hiện là giáo sư Đại học Keio cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Để khôi phục niềm tin, các ngân hàng trung ương cần phải tăng lãi suất chính sách đủ để làm giảm lạm phát và điều đó có thể dẫn đến sự phục hồi kinh tế chậm lại hơn nữa”.
Các nhà hoạch định chính sách gần đây đã nhấn mạnh rằng kỳ vọng lạm phát dài hạn đã được kiềm chế và đây có thể một minh chứng cho sự đáng tin cậy của các nhà hoạch định chính sách. Vào tháng 3, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, Charles Evans đã giải thích rằng lạm phát ngày nay không giống như những năm 1980 vì “chính sách tiền tệ quá dễ chịu” trong những năm 1960 và 1970 đã góp phần hình thành kỳ vọng lạm phát dài hạn.
Tuy nhiên, công cụ đo lường kỳ vọng giá dài hạn của Đại học Michigan đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi giá dầu tăng đột biến năm 2008.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho Fed, ECB và các ngân hàng trung ương vì đã không lường trước được sự gia tăng giá bắt nguồn từ việc xung đột giữa Nga và Ukraine hoặc có thể nói là thời gian của những thách thức chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng việc tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán vào năm 2021 và giữ lãi suất gần bằng 0 ngay cả khi lạm phát tăng vọt và các nền kinh tế phục hồi từ đáy sâu của cuộc khủng hoảng Covid-19 dường như đã giúp gieo mầm cho tình trạng hỗn loạn hiện tại.
“Tôi tin rằng điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín của các ngân hàng trung ương khi các nhà đầu tư nhận ra rằng lạm phát mà chúng ta phải đối mặt là do con người gây ra, và các ngân hàng trung ương đã đóng một vai trò quan trọng”, Stephen Jen, người điều hành Eurizon SLJ Capital cho biết.
Mặt khác, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với thách thức về niềm tin vào các nhà hoạch định chính sách.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde hiện đang trong quá trình tăng lãi suất 0,25% vào tháng 7 và 0,5% vào tháng 9. Mặc dù trước đó bà Lagarde nói vào tháng 12 rằng sẽ không có bất kỳ sự thắt chặt nào trong năm nay.
“Tất cả các tổ chức quốc tế, tất cả các nhà dự báo có uy tín đã thực sự mắc cùng một sai lầm khi đánh giá thấp cuộc khủng hoảng”, bà Lagarde cho biết vào tuần trước.
Thống đốc RBA Philip Lowe vào tháng 5 cho biết thật "xấu hổ" khi hướng dẫn chính sách trước đây của ông rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp kỷ lục cho đến năm 2024 đã tỏ ra rất sai lầm.
Giữa các thị trường mới nổi lại là một bức tranh hỗn hợp. Brazil đã tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Thay vào đó, Trung Quốc lại tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ tiền tệ trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Nhưng ở Ấn Độ, ngân hàng trung ương nước này trước đó đã từ chối những đề xuất tăng lãi suất cho đến tháng 4 mới bắt đầu tăng lãi suất cơ bản hai tháng liên tiếp. Lạm phát trong khi đó vẫn nằm ngoài vùng chịu đựng của nước này.