Trong cuộc phỏng vấn trước đây, ông đã từng đề cập đến việc blockchain không chỉ là tiền mã hóa, công nghệ này có rất nhiều ứng dụng khác nhau như giúp truy xuất nguồn gốc, bảo hiểm, chuỗi cung ứng hàng hóa... Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, người dân khi đề cập đến blockchain là nghĩ đến tiền mã hóa. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Tiền mã hóa (Crypto Currency) là từ ghép của mã hóa/mật mã (cryptography) với tiền tệ (currency). Đây là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa dựa trên cơ sở khai thác sức mạnh của máy tính kết hợp internet. Công nghệ này gọi chung là blockchain - nền tảng của tiền mã hóa. Tiền mã hóa chỉ là một hoạt động ứng dụng công nghệ blockchain và việc người dân khi nghĩ đến blockchain là nghĩ đến tiền mã hóa là câu chuyện diễn ra không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới.
Ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam |
Nguyên nhân của vấn đề này, là do nhiều người đầu tư vào tiền mã hóa, biết thông tin nhiều hơn về tiền mã hóa nên khi nghĩ đến blockchain là chỉ nghĩ đến tiền mã hóa. Trong khi đó, blockchain có rất nhiều ứng dụng khác nữa như giúp truy xuất nguồn gốc, bảo hiểm, chuỗi cung ứng hàng hóa…, nhưng lại có ít thông tin truyền tải ngoài xã hội, bởi các doanh nghiệp thực hiện trong nội bộ và không truyền thông.
Những người dân ít khi tiếp cận được hệ thống, cũng như không có nhiều thông tin về hệ thống sẽ không biết, nhưng những người trong “nghề” đều biết, thực tế các tập đoàn lớn như Microsoft, IBM, Apple, Samsung… đều đã ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động của mình.
Vậy, làm thế nào để thay đổi được tư duy người dân theo hướng blockchain không chỉ là tiền mã hóa?
Cũng có công ty truyền thông về việc doanh nghiệp đã triển khai những ứng dụng mới, tiên phong, trong đó bao gồm công nghệ blockchain, nhưng trước thực tế người dân khi nghĩ đến công nghệ blockchain là nghĩ đến tiền mã hóa khiến doanh nghiệp cũng chùn bước.
Tiền mã hóa mặc dù đã chứng minh được nhu cầu và tốc độ phát triển đầy tiềm năng, nhưng mới dừng lại ở giai đoạn khởi đầu. Hiện Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền mã hóa nào là đơn vị thanh toán hợp pháp.
Đồng thời, hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền mã hóa cũng chưa có đơn vị quản lý chính thức, chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hay văn bản hướng dẫn nào và thậm chí còn là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Do những vấn đề nhạy cảm và để tránh sự hiểu nhầm doanh nghiệp hạn chế truyền thông về ứng dụng công nghệ blockchain.
Để thay đổi tư duy của người dân, vai trò chủ động truyền thông của doanh nghiệp chỉ là một phần, bên cạnh đó cần sự vào cuộc từ báo chí là điều rất quan trọng. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam được phát triển chính thống và mạnh mẽ hơn.
Theo đó, người dân sẽ tiếp cận được các dịch vụ, sản phẩm dựa trên nền tảng blockchain nhiều hơn thì những suy nghĩ của người dân cũng sẽ thay đổi khi được tiếp cận và trải nghiệm những công nghệ sản phẩm, dịch vụ của blockchain.
Blockchain là một trong những xu hướng chính được ứng dụng trong ngành dịch vụ tài chính hiện nay. Ví dụ, công nghệ blockchain được ứng dụng trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam từ năm 2019 với giao dịch L/C đầu tiên của HSBC chi nhánh Việt Nam (thông qua Voltron)… Theo ông, công nghệ này còn có thể ứng dụng được trong những lĩnh vực nào của hệ thống ngân hàng?
Trong hệ thống ngân hàng, công nghệ blockchain có thể ứng dụng trong hệ thống đối soát các giao dịch liên ngân hàng. Các ngân hàng thường phải dựa vào đơn vị thứ ba để đối soát và bản thân họ cũng phải đối soát giao dịch này. Đây là công việc tốn nhiều thời gian, nguồn lực. Chẳng hạn, một ngân hàng phải đối soát với 42 ngân hàng khác nhau, nếu ứng dụng blockchain, việc đối soát sẽ được giảm thiểu, giảm bớt chi phí, giảm thời gian xác thực giao dịch giúp cho công việc đối soát nhanh hơn, thuận tiện hơn cho các ngân hàng.
Ngoài việc đối soát, blockchain còn giúp kết nối với các hệ sinh thái khác như điểm thưởng liên kết giữa hệ thống ngân hàng và các dịch vụ cung cấp bán lẻ của các đơn vị khác như hàng không, siêu thị… Bản chất đây cũng là hình thức đối soát.
Một hệ thống có sự tham gia của nhiều bên, nhiều đơn vị độc lập thì thông thường khác hệ thống cần đối soát và blockchain sẽ chứng tỏ sự hiệu quả khi là nền tảng để các đơn vị độc lập kết nối, chia sẻ dữ liệu và không cần mất thời gian nhiều thời gian thao tác đối soát, giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn.
Blockchain có thể ứng dụng được nhiều lĩnh vực trong hệ thống ngân hàng hoặc hệ thống ngân hàng với các hệ thống cung cấp dịch vụ phi ngân hàng, là các đơn vị độc lập nhau.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm là chúng ta cũng đã được biết nhiều đến eKYC trong hệ thống tài chính, ngân hàng. eKYC được thực hiện trên nhiều công nghệ khác nhau như dựa trên phân tích xử lý hình ảnh, thông qua đọc thông tin căn cước công dân gắn chíp. eKYC có thể kết hợp với blockchain nhằm tăng tính an toàn của hệ thống và sự minh bạch.
Trên thị trường hiện nay, eKYC dựa trên nền tảng blockchain chưa nhiều, chưa được phổ biến rộng rãi. Tôi hy vọng công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong hệ thống tài chính, ngân hàng thời gian tới nhằm mang lại những tiện ích cho chính các ngân hàng và khách hàng.
Ông có cho rằng, blockchain sẽ trở thành công nghệ ứng dụng chủ đạo, rộng rãi trong hệ thống tài chính, ngân hàng?
Blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi, nhưng là chủ đạo thì chưa thể khẳng định trong một tương lai gần.
Blockchain là công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không riêng ngành tài chính - ngân hàng và đã thể hiện được mức độ đảm bảo, tin cậy của dữ liệu, giao dịch, thông tin của khách hàng… Dựa vào blockchain, có thể hạn chế thậm chí tránh được việc mất dữ liệu, thay đổi dữ liệu bởi hacker hay chính nhân viên có hành vi tiêu cực.
Khả năng ứng dụng của blockchain không chỉ trong hệ thống ngân hàng, mà cả trong những lĩnh vực đòi hỏi độ tin cậy dữ liệu cao.
Mỗi ngân hàng đều có thể lựa chọn nền tảng công nghệ khác nhau, nhưng nên có bộ phận nghiên cứu, triển khai thí điểm dần dần những ưu việt của công nghệ blockchain vào hệ thống nhằm giảm thiểu chi phí, tăng thời gian xác thực giao dịch và đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu. Tôi cho rằng, blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi, nhưng là chủ đạo thì chưa thể khẳng định trong một tương lại gần.
Nhận định của ông về việc ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam hiện nay như thế nào so với các quốc gia khác trong khu vực?
Như tôi đã đề cập ở trên, ứng dụng blockchain không hẳn là chậm chạp ở Việt Nam, mà đơn giản chỉ là doanh nghiệp truyền thông chưa nhiều do tính nhạy cảm của vấn đề và chưa có khung pháp lý song hành. Do chưa có văn bản pháp luật rõ ràng cho vấn đề này nên gần như tất cả start-up blockchain của người Việt Nam đều đăng ký thành lập ở nước ngoài.
Chỉ trong vòng 2 năm nay, người Việt Nam đã công bố 200 tựa game blockchain và đang đứng đầu thị trường thế giới. Đặc biệt, “kỳ lân” Sky Movies với tựa game Axie Infinity có tổng giá trị vốn hóa từng vượt mốc 9,7 tỷ USD vào tháng 7/2021. Hiện có khoảng 10 start-up của người Việt trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.
Việc ban hành được văn bản pháp luật sẽ phụ thuộc vào Chính phủ, các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội nghề nghiệp có một vai trò nhất định trong việc tham mưu, tư vấn, phản biện, thúc đẩy các chính sách liên quan đến khung pháp lý trong tài sản số, tiền số, tiền mã hóa… Chính phủ đã giao cho một số bộ, ngành nghiên cứu vấn đề này từ năm 2018, nhưng đến nay chưa thực hiện xong.
Gần đây Chính phủ tiếp tục chỉ thị các cơ quan chức năng sớm đưa ra khung pháp lý và tôi hy vọng sẽ sớm có kết quả. Tôi cũng hiểu, đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tiền tệ quốc gia, có thể có những rủi ro nên không thể dễ dàng sớm có được khung pháp lý.